Dẫn lời một nhà ngoại giao EU, hãng tin Reuters cho biết thực trạng an ninh lương thực không được đảm bảo đã gây ra hỗn loạn ở các quốc gia dễ bị tổn thương thuộc những khu vực này. Trong khi đó, Moskva chỉ trích cuộc khủng hoảng lương thực là hậu quả từ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga.
Nhà ngoại giao cho rằng điều này gây ra mối đe dọa tiềm tàng đối với sự ảnh hưởng của EU. Chính vì vậy, liên minh đang lên kế hoạch thực hiện một chiến lược “ngoại giao thực phẩm” để khẳng định lại vị thế trong khu vực.
Các nước láng giềng của EU, đặc biệt là Ai Cập và Lebanon, đều phụ thuộc rất lớn vào các sản phẩm lúa mì và phân bón nhập khẩu từ Ukraine và Nga. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Ukraine, các nước này đã phải đối mặt với giá lúa mì tăng cao do nguồn cung bị gián đoạn. “Chúng tôi không thể chấp nhận rủi ro mất đi khu vực này”, nhà ngoại giao châu Âu nói thêm.
Các quan chức cho biết EU đang cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu lương thực tới các nước thông qua Ba Lan và hỗ trợ cung cấp nhiên liệu cho nông dân Ukraine.
Bên cạnh đó, EU cũng sẽ hỗ trợ tài chính cho các quốc gia dễ bị tổn thương. Tuần trước, EU công bố gói viện trợ trị giá 225 triệu euro cho Bắc Phi và Trung Đông.
Gần một nửa trong số tiền viện trợ sẽ được chuyển đến Ai Cập, trong khi Lebanon, Jordan, Tunisia, Morocco và chính quyền Palestine sẽ nhận được quỹ khẩn cấp dao động trong khoảng 15-25 triệu euro mỗi nước.
EU cũng sẽ dành thêm 300 triệu euro hỗ trợ hoạt động nông nghiệp cho các nước Tây Balkan, như một phần trong nguồn vốn thường xuyên của EU cho khu vực, trong đó Serbia trở thành mối quan tâm hàng đầu vì mối liên hệ với Nga.
Nhằm thúc đẩy các nỗ lực quốc tế nhằm giảm thiểu tác động của tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm, EU dự kiến cùng Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (LHQ) công bố các sáng kiến mới vào ngày 12/4.
Cụ thể, Pháp - nhà sản xuất nông nghiệp lớn nhất của EU - đang thúc đẩy một sáng kiến có tên "FARM", bao gồm một cơ chế phân phối lương thực toàn cầu cho các quốc gia nghèo hơn.
Trong khi đó, Hungary đề xuất thúc đẩy sản lượng nông nghiệp của EU bằng cách thay đổi các mục tiêu khí hậu.
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) xác nhận họ đang cân nhắc thành lập một cơ sở tài trợ nhập khẩu lương thực.