Lãnh đạo EU và các nước Balkan tại hội nghị. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tham dự cuộc họp khẩn cấp chỉ có lãnh đạo các nước nằm trên tuyến đường Balkan này từ Thổ Nhĩ Kỳ đến biên giới Hungary và Slovenia cùng với lãnh đạo ba nước không phải thành viên EU là Albania, Macedonia và Serbia.
Theo kế hoạch hành động, trước hết các nước nằm dọc tuyến di cư sẽ trao đổi thường xuyên thông tin về tình hình tại nước này và phối hợp hành động với nhau. Lãnh đạo các nước cũng nhất trí tăng khả năng cung cấp nơi trú chân tạm, thức ăn, hỗ trợ y tế, nước uống và cải thiện điều kiện vệ sinh cho tất cả những người cần thiết. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết EU có kế hoạch bảo đảm tiếp nhận đến 100.000 người di cư tại các trạm trú chân dọc tuyến đường Balkan bắt đầu từ Hy Lạp.
Trong đó, Hy Lạp có nghĩa vụ tăng khả năng tiếp nhận lên 30.000 người từ nay cho đến cuối năm 2015, và ủng hộ Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) trong trợ cấp và tổ chức đón nhận vào các gia đình Hy Lạp thêm ít nhất 20.000 người khác. Thông báo cho biết UNHCR cũng sẽ ủng hộ việc tăng khả năng tiếp nhận thêm 50.000 người tại tuyến Balkan. EU cũng sẽ khẩn cấp siết chặt kiểm soát biên giới với các nước ngoài liên minh, bao gồm phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ triển khai kế hoạch hành động đã được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh lần trước, tất cả các cơ quan châu Âu về người tị nạn sẽ tăng cường hoạt động tại địa bàn, ví dụ Cơ quan giám sát biên giới châu Âu (Frontex) sẽ giúp Hy Lạp trong công tác đăng ký người di cư, còn Ủy ban châu Âu (EC) sẽ cử 400 cảnh sát đến Slovenia để đảm bảo kiểm soát dòng người di cư.
Tuyên bố của hội nghị cũng cho biết, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) và Ngân hàng Phát triển Hội đồng châu Âu (CEB) sẵn sàng tài trợ cho việc giải quyết khủng hoảng di cư. Ngay trong tuần này, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tổ chức các cuộc gặp với đại diện các định chế tài chính trên để thảo luận vấn đề người di cư.
Kể từ đầu năm đến nay, hơn 670.000 người đã tìm đến châu Âu từ các nước có xung đột vũ trang như Syria, Iraq và Afghanistan, tạo nên cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trong đó, khoảng 3.000 người đã thiệt mạng trên con đường vượt biển Địa Trung Hải, nay khi mùa Đông đến, người di cư tập trung chủ yếu vào tuyến đường bộ và ngày càng làm dấy lên mối lo ngại họ sẽ phải chịu số phận tương tự trên tuyến đường Balkan.