Theo khung pháp lý này, các cá nhân trong danh sách trừng phạt sẽ bị cấm nhập cảnh vào EU, đóng băng tài sản, cấm tài trợ từ EU. Những biện pháp này nhằm giúp thúc đẩy quá trình thành lập chính phủ mới và các cải cách cần thiết tại quốc gia Trung Đông này.
Lệnh trừng phạt của EU sẽ nhắm vào các cá nhân hoặc tổ chức cụ thể có hành vi ảnh hưởng đến tiến trình chính trị dân chủ như liên tục cản trở việc thành lập chính phủ hoặc tổ chức các cuộc bầu cử và các hành vi khác.
Cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tại Liban bùng phát từ năm 2019 và càng trở nên tồi tệ với việc chính phủ phải từ chức sau vụ nổ kinh hoàng của một nhà kho ở cảng Beirut hôm 4/8/2020 khiến hơn 200 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.
Do bất đồng giữa các đảng phái chính trị lớn, từ đó đến nay Liban vẫn chưa thành lập được chính phủ. Ngày 26/7, Tổng thống Michel Aoun đã chỉ định tỷ phú Najib Mikati, người từng 2 lần giữ chức thủ tướng, đứng ra thành lập chính phủ mới càng sớm càng tốt.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), sau gần 1 năm chia rẽ nội bộ nghiêm trọng, Liban đã rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế giới kể từ năm 1850.