Đề xuất của EC sẽ được đệ trình lên Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia thành viên để xem xét.
Chia sẻ với báo giới, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Margaritis Schinas khẳng định kế hoạch này cần được thực thi để giúp các nước thành viên trong khu vực đối phó với những thách thức nói trên trong bối cảnh cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015, một loạt các cuộc tấn công trên lãnh thổ châu Âu và đại dịch COVID-19 đã khiến không gian đi lại tự do của khối bị chia cắt.
Cụ thể, để ứng phó với COVID-19, EC mong muốn Hội đồng châu Âu có thể nhanh chóng áp đặt các quy định hạn chế đi lại tạm thời tại các khu vực biên giới bên ngoài khu vực Schengen (22 quốc gia Liên minh châu Âu cộng với Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ). Cùng với đó, kế hoạch mới bao gồm các quy tắc cho phép các nước trong khối có chung hành động phản ứng tại các vùng biên giới nội khối một khi xuất hiện những mối đe dọa, cả an ninh và y tế.
Kế hoạch cũng đề cập đến việc cần xây dựng một hệ thống vững chắc hơn để các nước thành viên tự đưa ra các biện pháp kiểm soát biên giới và thực thi các biện pháp đó có cân nhắc đến sự ảnh hưởng với các khu vực lân cận. Theo đề xuất, thay vì đơn giản đóng cửa biên giới, EC cho rằng các nước thành viên cần xem xét các biện pháp bớt nghiêm ngặt hơn, như tăng cường các chốt kiểm tra an ninh biên giới. EC cho rằng những đề xuất cải cách nêu trên cũng sẽ góp phần giải quyết những thách thức liên quan đến người di cư.
Cải cách này là một trong những vấn đề ưu tiên mà Tổng thống Emmanuel Macron dự định thực hiện trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Pháp vào nửa đầu năm 2022.
Ủy viên châu Âu về các vấn đề nội vụ Ylva Johansson cho biết với các đề xuất này, EC sẽ đảm bảo rằng các biện pháp kiểm soát biên giới sẽ là lựa chọn cuối cùng, trên cơ sở đánh giá chung và trong khoảng thời gian cần thiết.