Nhằm phá vỡ thế bế tắc hiện nay, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã đưa ra kế hoạch mới sau khi đề xuất đầu tiên về gói phục hồi trị giá 750 tỷ euro (856 tỷ USD) vấp phải sự phản đối của các nước thành viên chủ trương tiết kiệm chi tiêu như Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch. Theo kế hoạch mới, ngân sách phục hồi sẽ vẫn duy trì ở mức 750 tỷ euro, nhưng khoản hỗ trợ sẽ giảm từ 500 tỷ euro xuống 450 tỷ euro (514 tỷ USD), trong các khoản cho vay sẽ tăng từ 250 tỷ euro lên 300 tỷ euro (342 tỷ USD). Kế hoạch mới của ông Michel còn bao gồm công cụ "phanh khẩn cấp", trong đó cho phép bất kỳ thành viên nào cũng có 3 ngày bảo lưu ý kiến về kế hoạch cải cách của quốc gia khác và có thể khởi động một cuộc tranh luận giữa 27 nước.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng điều này sẽ dẫn đến quyền phủ quyết và hiện vẫn chưa rõ những nước như Tây Ban Nha và Italy liệu có chấp nhận kế hoạch này hay không. Một nguồn thạo tin cho biết các nước chủ trương thắt chặt chi tiêu trong EU vẫn chưa hài lòng với đề xuất mới và đang muốn cắt giảm sâu thêm.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng các nước thành viên có quyền quyết định thông qua bất kỳ khoản chi ngân sách nào trong các kế hoạch phục hồi của EU cho các đối tác như Tây Ban Nha và Italy, hai nền kinh tế bị ảnh hưởng dịch bệnh và các lệnh phong tỏa nghiêm trọng. Ông cho rằng sự giám sát của EU đóng vai trò quan trọng trong việc buộc các nước phải cải cách thị trường lao động. Ông hối thúc các thành viên ở phía Nam không nên chậm trễ cải cách để có thể tự mình ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Trong khi đó, một nhà ngoại giao Hà Lan cho hay dù còn nhiều vấn đề cần giải quyết, song đề xuất quản lý trên của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel là một bước đi nghiêm túc và đúng hướng.
Trước tình hình này, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng nhiều khả năng các nhà lãnh đạo EU sẽ không đạt được thỏa thuận vào ngày kết thúc hội nghị 19/7, thậm chí các cuộc đàm phán có thể kéo dài nhiều tháng.
Trong khi đó, Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov nhận định việc những nước đóng góp nhiều cho liên minh muốn chi tiêu ngân ngách hiệu quả là điều hoàn toàn hợp lý.
Trước đó, trong bối cảnh kinh tế EU đối mặt với cú sốc lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, lãnh đạo các nước đã thảo luận về một số giải pháp, trong đó có quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro và khoản ngân sách trị giá hơn 1.000 tỷ euro (1.143 tỷ USD) trong giai đoạn 2021-2027.