Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh EU được tổ chức trực tuyến ngày 19/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo các lệnh trừng phạt đối với Nga dự kiến hết hiệu lực trong tháng này, nhưng EU sẽ gia hạn các biện pháp này thêm 6 tháng. Nhà lãnh đạo Đức nêu rõ việc thực thi các thỏa thuận Minsk chưa đủ để EU có thể dỡ bỏ trừng phạt Nga.
EU đã áp đặt trừng phạt nhằm vào Nga sau vụ máy bay chở khách MH17 bị bắn hạ ở Ukraine tháng 7/2014. Lệnh trừng phạt này nhằm vào các ngân hàng Nga, hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như ngành dầu khí. EU đặt điều kiện dỡ bỏ hoặc nới lỏng trừng phạt với những tiến bộ trong việc thực thi thỏa thuận Minsk hướng tới một nền hòa bình ở Ukraine.
Tại Hội nghị thượng đỉnh EU trên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo cho các nhà lãnh đạo của liên minh về tình trạng thực thi thỏa thuận Minsk.
Xung đột vũ trang giữa quân đội Chính phủ Ukraine và các lực lượng đòi độc lập ở miền Đông nước này nổ ra từ năm 2014, trong khi quan hệ giữa Nga và Ukraine căng thẳng khi Moskva sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea trong cùng năm. Cho đến nay, đã có ít nhất 13.000 người thiệt mạng trong cuộc xung đột này.
Nhóm Tiếp xúc giải quyết xung đột ở Ukraine (gồm Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu - OSCE) và "Bộ Tứ Normandy" (gồm Pháp, Đức, Nga và Ukraine) đã thúc đẩy nhiều nỗ lực nhằm nhanh chóng giải quyết xung đột ở miền Đông Ukraine, theo tinh thần Thỏa thuận Minsk. Văn bản này được "Bộ Tứ Normandy" ký kết hồi tháng 2/2015 như một phần trong kế hoạch hòa bình ở miền Đông Ukraine.
Nội dung thỏa thuận bao gồm các cam kết về rút quân, thu hồi các vũ khí hạng nặng như xe tăng, đạn pháo và súng cối tới các kho chứa đã được nhất trí. Ngoài ra, văn kiện này còn bao gồm các các điều khoản khác như rút các lực lượng nước ngoài hoặc triển khai trở lại lực lượng kiểm soát biên giới Nga - Ukraine. Tuy nhiên, tình hình thực tế không có nhiều thay đổi.