Theo nhật báo Le Figaro (Pháp) ngày 19/2, tại cuộc họp cấp Ngoại trưởng EU ngày 18/2 tại Brussels (Bỉ) 27 nước thành viên đã không đưa ra được bất cứ giải pháp chính trị nào cho vấn đề Syria.
Ngược lại, tại cuộc họp này, các Ngoại trưởng EU đã nhất trí tiếp tục áp dụng lệnh trừng phạt Damas, đồng thời chấp nhận điều chỉnh lệnh cấm vận vũ khí đối với EU, cho phép phe nổi dậy nhận được sự trợ giúp về trang thiết bị không gây sát thương cũng như các trợ giúp về kỹ thuật tự vệ dân sự.
Ngoại trưởng Anh William Hague rất hồ hởi với quyết định nêu trên của EU. Ảnh: Internet |
Cụ thể, theo quyết định này, lực lượng nổi dậy Syria có thể nhận được các trợ giúp về trang thiết bị như áo giáp chống đạn, mũ sắt, các phương tiện liên lạc mật mã cũng như các thiết bị ứng dụng tia hồng ngoại… kể từ ngày 28/2. Đó là các thiết bị mà lực lượng quân sự của chính phủ Syria không có và được cho là “có thể tạo khác biệt trong một cuộc xung đột tiềm tàng”.
Nói tóm lại, do sự dè chừng của một số nước EU, lực lượng nổi dậy Syria sẽ không nhận được sự trợ giúp về vũ khí mà chỉ có thể nhận được sự ủng hộ về thiết bị quân sự không gây sát thương.
Là vấn đề nhạy cảm nhất trong chính sách trừng phạt Damas được EU thông qua đầu năm 2011, lệnh cấm vận vũ khí và khả năng giảm nhẹ lệnh cấm này từ nhiều tháng qua luôn là chủ đề gây tranh cãi giữa 27 nước thành viên. Quyết định điều chỉnh nêu trên cho thấy một thỏa hiệp giữa các nước EU và ở mức độ nào đó có thể được coi là “một cuộc cách mạng”.
Như vậy, tương tự trường hợp của Lybia, nhiều nước EU ủng hộ việc bãi bỏ phần nào lệnh cấm vận vũ khí để mở đường viện trợ cho lực lượng nổi dậy tại Syria. Đứng đầu các nước có quan điểm dè chừng này là Anh, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Italy và ở chừng mực nào đó là Pháp. Ngoại trưởng Anh William Hague rất hồ hởi với quyết định nêu trên của EU, cho rằng hành động này sẽ tiếp tục mở đường “tiến xa hơn” khi chủ đề này được thảo luận trở lại sau 3 tháng nữa. Tuy nhiên, có thể Anh đang quá lạc quan bởi các quyết định cởi mở hơn sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước Scandinavia và Đức.
Là nước lâu nay phản đối việc cung cấp vũ khí sát thương cho lực lượng nổi dậy Syria, Pháp đã cho thấy sự chuyển biến trong lập trường. Tháng 11/2012, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã lần đầu tiên nêu khả năng bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria để mở đường viện trợ trang thiết bị phòng thủ cho phe nổi dậy, “bởi Liên minh các lực lượng đối lập đã yêu cầu chúng ta như vậy”.
Tại cuộc họp ngày 18/2, Ngoại trưởng Pháp đánh giá rằng quyết định nêu trên đã được thông qua “chiểu theo đề nghị” của thủ lĩnh Liên minh Dân tộc Syria (CNS) Moaz al-Khatib. Đối với Pháp, ưu tiên trước mắt phải là củng cố cấu trúc chính trị của CNS, biến tổ chức này thành bức tường thành chống lại nguy cơ thánh chiến hóa phe nổi dậy.
Trong bối cảnh khủng hoảng tại Sahel, các nguy cơ tiềm ẩn từ việc quân sự hóa phe nổi dậy Syria đã được các nước EU thảo luận rất nhiều tại Brussels. Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn khẳng định: “Mục đích không phải là chiến đấu tiêu diệt các phần tử thánh chiến tại Mali để rồi cung cấp vũ khí cho các phần tử thánh chiến tại Syria”. Mới đây, Tổng thống Pháp François Hollande đã tuyên bố nhấn mạnh việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria sẽ không nằm trong bất cứ chương trình nghị sự nào nếu tại Syria chưa cho thấy một lối thoát về chính trị.
Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Pháp)