Theo đài Sputnik, phát biểu trước phóng viên ngày 5/5, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margrethe Vestager nhấn mạnh chiến lược mới sẽ định hướng chuyển đổi nền kinh tế của EU một cách hiệu quả, đồng thời đảm bảo tính cạnh tranh của các ngành chủ chốt trong khối.
Các ngành này bao gồm nguyên liệu thô, pin, thành phần dược phẩm hoạt tính, hydro, chất bán dẫn cũng như công nghệ đám mây và công nghệ tiên tiến.
Tài liệu chiến lược dài 19 trang chỉ ra các biện pháp của EU có thể thực hiện, bao gồm đa dạng hóa cung và cầu dựa vào các đối tác thương mại khác nhau, nhưng cũng dự trữ và hành động tự chủ bất cứ khi nào cần thiết.
Mặc dù tài liệu không đề cập cụ thể đến Trung Quốc, song kế hoạch được công bố ngay sau khi Brussels và Bắc Kinh liên tục có hành động đáp trả nhau bằng các biện pháp trừng phạt, dẫn tới mối quan hệ song phương có chiều hướng xuống dốc. Hồi tháng 3, EU cấm vận 4 quan chức Trung Quốc vì cáo buộc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương khiến Bắc Kinh đáp trả bằng lệnh cấm vận lên các chính trị gia, học giả, tổ chức nghiên cứu của EU.
“Các dự án viện trợ đã tạo ra những lợi thế không công bằng và giờ chúng trở thành tai họa đối với cạnh tranh quốc tế. Đây là lý do tại sao chúng tôi ưu tiên ngăn chặn những hành vi không công bằng như vậy. Trung Quốc chắc chắn là một thách thức nếu xét đến trường hợp này…”, Phó Chủ tịch EU Valdis Dombrovskis nói.
Chiến lược mới cho phép cơ quan chống độc quyền của EU điều tra các công ty nước ngoài được nhà nước hậu thuẫn đang tìm cách mua lại các doanh nghiệp trong khối có doanh thu hàng năm vượt quá 500 triệu euro.
Chiến lược mới được công bố khi Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 5/5 cho biết một thỏa thuận thương mại giữa Brussels và Washington sẽ phù hợp, đồng thời khẳng định bà luôn ủng hộ một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu.