Bộ trưởng các nước thuộc nhóm trên đã ra tuyên bố chung, thông báo về một "thỏa thuận về cơ chế kháng cáo đa phương tạm thời". Thỏa thuận trên, đạt được tại hội nghị trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ), sẽ cho phép tất cả các bên tham gia "duy trì một hệ thống giải quyết tranh chấp hai bước của WTO trong các tranh chấp giữa họ".
Theo thỏa thuận, cơ chế mới được thiết kế nhằm giữ lại nguyên tắc trong luật thương mại quốc tế, theo đó các chính phủ có quyền kháng cáo trong mọi tranh chấp, dựa trên điều 25, một điều khoản hiếm khi được sử dụng, về giải quyết tranh chấp trong WTO.
Động thái trên diễn ra sau khi ủy ban kháng cáo của WTO, đôi khi được gọi là "tòa án tối cao" của thương mại toàn cầu, đã ngừng hoạt động tháng 12/2019 sau nhiều năm vấp phải sự phản đối liên tiếp của Mỹ. Washington cáo buộc "tòa án" trên vượt quá thẩm quyền nghiêm trọng, và Mỹ đã ngăn cản việc bổ nhiệm các thẩm phán mới thay thế những người hết nhiệm kỳ, khiến tòa không đủ 3 thẩm phán cần thiết theo quy định để mở các phiên xét xử vụ kiện.
Trước khi ủy ban "đóng cửa" ngày 11/12/2019, từ tháng 7, Canada và EU đã ký một thỏa thuận song phương nhằm thiết lập một ủy ban lâm thời để xét xử các kháng cáo trong các tranh chấp có thể xảy ra giữa Brussels và Ottawa.
Tại Davos, họ đã nhận được sự ủng hộ của hơn một chục quốc gia khác, gồm Australia, Brazil, Trung Quốc, Colombia, Costa Rica, Guatemala, Hàn Quốc, Mexico, New Zealand, Na Uy, Panama, Singapore, Thụy Sỹ và Uruguay. Các nước này nhấn mạnh thỏa thuận chỉ mang tính tạm thời và để ngỏ cho các thành viên khác của WTO tham gia.
Uỷ viên thương mại của EU Phil Hogan cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tìm giải pháp lâu dài cho bế tắc của cơ quan kháng cáo, như thông qua các cuộc cải cách và cải tổ cần thiết".