Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker trong cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ ngày 23/3. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong bài phát biểu từ Brussels (Bỉ), ông Juncker nhấn mạnh: "Đây là một ngày tồi tệ đối với thương mại quốc tế. Do vậy, chúng tôi sẽ ngay lập tức đưa tranh cãi thương mại này ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và sẽ thông báo các biện pháp đáp trả tương ứng trong vòng vài giờ tới".
Cùng ngày, Ủy viên phụ trách thương mại của EU Cecilia Malmstrom cho biết EU sẽ bắt đầu kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO. Bà Malmstrom khẳng định các biện pháp đáp trả của EU sẽ cân xứng và phù hợp với quy định của WTO.
Thủ lĩnh phe trung hữu tại Nghị viện châu Âu (EP) đồng thời là một đồng minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Manfred Weber tuyên bố EU không còn biện pháp nào khác ngoài việc phải bảo vệ các ngành công nghiệp, việc làm và lợi ích của khối. Ông nói: "Chúng tôi không thể chấp nhận quyết định hết sức lấy làm tiếc này mà không có biện pháp đáp trả nào".
Trong khi đó, một người phát ngôn của Chính phủ Anh cũng bày tỏ hết sức thất vọng trước quyết định của Mỹ liên quan đến việc áp thuế đối với mặt hàng nhôm, thép. Theo người phát ngôn này, Anh và các nước EU khác là những đồng minh thân cận của Mỹ và cần phải được miễn thuế hoàn toàn và lâu dài.
Không chỉ được coi là động thái khiến các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ ở châu Âu nổi giận, giới phân tích cho rằng thông báo của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross về việc áp 25% thuế quan đối với sản phẩm thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico bắt đầu từ ngày 1/6 chắc chắn sẽ phủ bóng lên hội nghị các bộ trưởng tài chính Nhóm các nước phát triển lớn nhất thế giới (G7) khai mạc chiều 31/5 tại Whistler (Canada).
Giải thích về quyết định trên, Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho rằng các cuộc đàm phán với EU đã không đạt được một thỏa thuận thỏa đáng nhằm thuyết phục Washington tiếp tục miễn trừ các mức thuế đối với châu Âu.
Trong khi các cuộc đàm phán với Canada và Mexico nhằm sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) diễn ra lâu hơn so với kỳ vọng, thậm chí không có thời hạn cụ thể để kết thúc đàm phán. Vì vậy, việc miễn trừ cũng sẽ bị bãi bỏ. Thông báo từ Bộ Thương Mại Mỹ ngay lập tức đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận.