Bà Mogherini nhấn mạnh Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran là một thỏa thuận đa quốc gia, và được quy định trong một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và "những gì đang tồn tại cần được bảo vệ". Bà cũng nêu rõ bất cứ công việc bổ sung nào chỉ có thể thực hiện khi tôn trọng JCPOA và "chúng tôi sẽ luôn đồng hành và ủng hộ cách tiếp cận này".
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nêu ý tưởng về việc tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Washington và Tehran và đây được xem như giải pháp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng giữa Washington và Tehran.
Bà Federica Mogherini đã hoan nghênh một cách thận trọng ý tưởng của Tổng thống Trump, đồng thời khẳng định EU luôn ủng hộ đàm phán với sự tham gia của các bên trên cơ sở minh bạch và tôn trọng lẫn nhau. EU luôn yêu cầu các bên tôn trọng nghị quyết của HĐBA LHQ, trong đó có JCPOA.
Trong tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng có "một cơ hội thật sự tốt" khi ông có thể sớm gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani để thảo luận về căng thẳng leo thang, mặc dù ông Rouhani muốn Washington dỡ bỏ trừng phạt trước khi nhất trí với cuộc hội đàm như vậy.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định Mỹ phải tôn trọng thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 và ngừng thực hiện chính sách "khủng bố kinh tế" chống lại người dân Iran nếu muốn đàm phán với Tehran.
Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh phía Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến kinh tế chống lại người dân Iran và đối với Tehran, việc đối thoại với Mỹ trong bối cảnh này là không thể. Ông nêu rõ Iran không thể đàm phán với Mỹ trong tình trạng Washington gây sức ép kinh tế và đe dọa chiến tranh chống Tehran. Theo nhà ngoại giao Iran, nếu Mỹ muốn trở lại phòng đàm phán, thì cần phải "mua vé vào cửa", đó là phải tuân thủ thỏa thuận hạt nhân JCPOA.
Căng thẳng Mỹ- Iran tái bùng phát kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi JCPOA vì cho rằng thỏa thuận chưa chặt chẽ. Từ đó, Mỹ dần tái áp đặt và gia tăng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ, nhằm gây áp lực buộc Tehran quay trở lại bàn đàm phán. Một năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran cũng tuyên bố điều chỉnh phạm vi tuân thủ các cam kết nêu trong thỏa thuận hạt nhân.