Tại hội nghị COP26, các nước sẽ cố gắng hoàn tất các quy định cần thiết để đưa Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào thực thi. Một vấn đề sẽ phải giải quyết tại hội nghị này là liệu có ấn định khung thời gian chung đối với việc thực hiện các mục tiêu biến đổi khí hậu đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hay không. Một số nước, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, phản đối việc ấn định khung thời gian chung.
Các bộ trưởng môi trường EU nhất trí ủng hộ quan điểm các nước cần đặt ra mục tiêu khí hậu 5 năm một lần. Một số nước EU, trong đó có Ba Lan, muốn các nước đặt mục tiêu khí hậu trong 10 năm.
Trong một tuyên bố, các bộ trưởng nêu rõ EU sẽ ủng hộ đặt ra mục tiêu khí hậu 5 năm một lần với điều kiện tất cả các bên đều phải thực hiện điều này và các mục tiêu phải nhất quán với luật khí hậu của EU.
Tháng 6 vừa qua, các nước thành viên EU đã thông qua luật khí hậu, theo đó đặt ra mục tiêu tham vọng mang tính ràng buộc pháp lý trong việc trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 và quy định vào năm 2030 cắt giảm ròng ít nhất 55% lượng khí thải so với năm 1990.
Quyết định trên của EU sẽ hỗ trợ vị thế đàm phán của Mỹ, các nước châu Phi và các quốc đảo nhỏ, vốn cũng ủng hộ việc đưa ra các cam kết khí hậu 5 năm/lần. Các nước này cho rằng chu kỳ 5 năm sẽ duy trì áp lực buộc các nước phải đề ra các mục tiêu tham vọng, cũng như giúp theo dõi các nước có thực hiện cắt giảm khí thải đủ nhanh để ngăn chặn thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra hay không, trong khi chu kỳ 10 năm có thể khiến những nước có mục tiêu khí hậu thấp hơn không thể bắt kịp tốc độ chung trong suốt thập kỷ.