Một người phát ngôn của EU cho rằng với thành phần nội các vừa công bố, Chính phủ Afghanistan này không đảm bảo sự đa đạng các thành phần đại diện dân tộc và tôn giáo như kỳ vọng của EU cũng như cam kết của Taliban.
Trước đó, các nước thành viên EU đã đưa ra 5 điều kiện để tăng tính can dự của tổ chức này đối với Taliban, trong đó có điều kiện thành lập một chính phủ chuyển tiếp đảm bảo "tính bao gồm và đại diện" các thành phần tham gia.
Ngày 7/9, Taliban công bố thành phần chính phủ lâm thời, trong đó không có đại diện phụ nữ hoặc thành viên không thuộc Taliban, trong khi những vị trí chủ chốt lại do những người hiện nằm trong danh sách trừng phạt của LHQ hoặc bị Mỹ truy nã với các cáo buộc khủng bố.
Theo kế hoạch, Ngoại trưởng 20 nước sẽ nhóm họp trong ngày 8/9, mà dẫn đầu là Ngoại trưởng Mỹ và Đức. Cuộc họp này thảo luận về cách thức tiếp cận với chính quyền mới tại Afghanistan.
Trong tuyên bố ngày 8/9, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã bày tỏ quan ngại về thành phần của chính phủ lâm thời do Taliban thành lập ở Afghanistan. Ông Maas cho rằng thông báo về một chính phủ chuyển tiếp không có sự tham gia của các nhóm khác cũng như tình trạng bạo lực ngày 7/9 nhằm vào người biểu tình và báo giới ở Kabul không phải là những tín hiệu để lạc quan. Tuy nhiên, ông Mass khẳng định sẵn sàng đàm phán với Taliban để đảm bảo rằng nhiều người hơn có thể rời khỏi nước này.
Ông cho biết thêm rằng nếu chính phủ mới không thể duy trì được các công việc của một nhà nước thì sẽ gây ra nguy cơ sụp đổ nền kinh tế.