Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, tham gia hội nghị lần này có đại diện của các quốc gia vùng Vịnh bao gồm Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait, Oman và Qatar. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên các nhà lãnh đạo của EU và GCC cùng họp thượng đỉnh. Những cuộc thảo luận tại hội nghị xoay quanh tình hình căng thẳng leo thang giữa Israel và các nhóm vũ trang tại Gaza và Liban, đặc biệt là nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh trên toàn khu vực.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng mọi biện pháp ngoại giao để ngăn chặn xung đột mở rộng, cho rằng cần phải huy động mọi nguồn lực có thể để ngăn chặn sự leo thang nguy hiểm đang diễn ra ở Trung Đông.
Bà von der Leyen kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức” tại các khu vực xung đột. Trong khi đó, Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al-Thani - hiện giữ cương vị Chủ tịch luân phiên GCC - nhấn mạnh tầm quan trọng của sứ mệnh tìm ra giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột, đặc biệt là vấn đề Palestine. Theo ông, cần có được giải pháp lâu dài và công bằng cho Palestine.
Bên cạnh vấn đề Trung Đông, hội nghị còn thảo luận về những cuộc khủng hoảng khác - bao gồm xung đột quân sự ở Ukraine, những thách thức liên quan đến thương mại, năng lượng và biến đổi khí hậu. Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã tích cực tham gia các phiên thảo luận, tập trung vào phương án thúc đẩy hợp tác kinh tế và các giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu giữa hai khu vực.
Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh các cuộc khủng hoảng địa chính trị đã gây ra những thiệt hại nhân đạo nghiêm trọng, đồng thời kêu gọi châu Âu và vùng Vịnh hành động quyết liệt hơn để thay đổi tiến trình lịch sử. Ông Michel cũng nhận định tương lai của châu Âu và các quốc gia vùng Vịnh có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Một trong những điểm nhấn của hội nghị là chủ đề củng cố quan hệ kinh tế giữa EU và GCC. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của các quốc gia vùng Vịnh, chiếm 16% lượng hàng nhập khẩu của GCC, chủ yếu là các thiết bị và phương tiện vận tải. Đồng thời, EU cũng là khách hàng lớn thứ tư của GCC, chiếm 7,5% lượng hàng xuất khẩu của khối này, trong đó phần lớn là hydrocarbon. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do giữa hai bên đã bị đình trệ trong nhiều thập kỷ. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đều nhất trí về việc đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và giảm thiểu những tác động tiêu cực từ các cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh EU - GCC đã cho thấy cả cơ hội và thách thức trong mối quan hệ giữa hai khối. Mặc dù còn nhiều khác biệt, song lợi ích của hợp tác là không thể phủ nhận. Để xây dựng một mối quan hệ đối tác bền vững, cả EU và các quốc gia vùng Vịnh sẽ tiếp tục đối thoại, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và tìm kiếm những giải pháp chung cho các vấn đề toàn cầu.