Bà Kocijancic cũng nói thêm rằng chiến dịch này sẽ làm trầm trọng hơn dòng người tị nạn từ Syria, gia tăng bạo lực chống lại dân thường vô tội và gây trở ngại cho cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Người phát ngôn EU nhấn mạnh: "Sự thù địch có vũ trang mới sẽ càng hủy hoại sự ổn định của toàn khu vực, làm tăng thêm nỗi đau của dân thường, làm gia tăng các cuộc sơ tán dân, gây thêm các trở ngại cho tiến trình chính trị vốn đang rất khó khăn mà Liên hợp quốc đang nỗ lực thực hiện, và đe dọa các tiến bộ mà liên minh quốc tế chống IS đã đạt được". Bà khẳng định: "Không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột tại Syria và giải pháp khả thi duy nhất là giải pháp chính trị".
Dự kiến, các ngoại trưởng EU sẽ nhóm họp ngày 14/10 tới tại Luxembourg để thảo luận về cuộc khủng hoảng này trước hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17/10.
Sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào lãnh thổ Syria, bắt đầu từ ngày 9/10, đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh EU, nhiều nước cũng tiếp tục đưa ra phản ứng của mình. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cảnh báo động thái trên sẽ gây khủng hoảng nhân đạo và hủy hoại cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời kêu gọi kiềm chế.
Bộ Ngoại giao Pháp, Hà Lan, Đan Mạch đã triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở nước mình để bày tỏ sự phản đối. Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian cho biết cuộc tấn công nhằm vào lực lượng người Kurd ở Syria "cần phải dừng lại". Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok kêu gọi "Thổ Nhĩ Kỳ không nên đi theo con đường họ đã chọn". Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen gọi chiến dịch của Ankara là "tình huống đặc biệt nghiêm trọng và đáng lo ngại cho dân thường".
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bày tỏ lo ngại nguy cơ thanh trừng sắc tộc người Kurd. Trang mạng Twitter, ông Netanyahu cho biết: "Israel sẵn sàng hỗ trợ nhân đạo cho người Kurd". Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết New Delhi "lo ngại sâu sắc về chiến dịch quân sự đơn phương của Thổ Nhĩ Kỳ vào Đông Bắc Syria", đồng thời cho rằng hành động này có thể hủy hoại sự ổn định trong khu vực và cuộc chiến chống khủng bố, và có thể gây khủng hoảng nhân đạo. Ấn Độ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ "kiềm chế và tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria". Bộ Ngoại giao Algieria cùng ngày ra tuyên bố kịch liệt lên án chiến dịch trên và tái khẳng định sự ủng hộ "hoàn toàn" đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Các ngoại trưởng của Liên đoàn Arab (AL) đã lên kế hoạch họp khẩn vào ngày 11/10 để thảo luận "cuộc tấn công không thể chấp nhận được nhằm vào chủ quyền của một quốc gia thành viên AL".
Trên thực địa, chiến dịch Hòa bình Mùa Xuân của Thổ Nhĩ Kỳ đã bước sang ngày thứ hai. Các lực lượng bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm ít nhất một ngôi làng của người Kurd ở Bắc Syria trong khi các máy bay chiến đấu tiếp tục các cuộc không kích và pháo kích và các thị trấn và làng mạc ở biên giới. Người dân địa phương đang rất hoảng loạn và đi tìm nơi trú ẩn. Theo thông tin mới nhất, 18 người đã bị thương do trúng đạn pháo của Thổ Nhĩ Kỳ.
Biện hộ cho chiến dịch trên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng: "Sứ mệnh của chúng tôi là ngăn chặn việc tạo ra một hành lang khủng bố xuyên biên giới phía Nam, và đem lại hòa bình cho khu vực". Theo nhà lãnh đạo này, chiến dịch trên nhằm vào các tay súng người Kurd và tay súng IS ở Bắc Syria.
Ông Erdogan cũng khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xử lý "đúng cách" đối với các tay súng IS bị bắt trong chiến dịch này. Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giam giữ các tay súng IS cần giam giữ, trong khi sẽ trục xuất các tay súng khác về quốc gia gốc của họ nếu nước đó chấp nhận. Trẻ em và phụ nữ thuộc nhóm IS sẽ phải trải qua chương trình tái hòa nhập. Ông cũng cam kết: "IS sẽ không thể tái hiện diện trong khu vực này. Tôi đảm bảo với toàn thế giới".