Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, ngày 8/4, tại thủ đô Brussels diễn ra cuộc họp giữa đại diện Liên minh châu Âu (EU) và Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Yuri Prodan để thảo luận về các biện pháp trợ giúp nhu cầu khí đốt cho Ukraine, sau khi giá gas nhập khẩu từ Nga tăng vọt.
Các cuộc thảo luận mang tính kỹ thuật đề cập tới mọi nguồn năng lượng để hỗ trợ cho Ukraine do vấn đề khí đốt đối với nước này đang trở nên vô cùng khó khăn sau những căng thẳng với Nga. Lãnh đạo EU cam kết trợ giúp Ukraine để khôi phục lượng dự trữ hiện còn rất thấp của nước này.
Ngoài cuộc họp với Bộ trưởng Ukraine do Ủy viên EU phụ trách năng lượng Gunther Oettinger chủ trì, một cuộc họp khác với "nhóm phối hợp về khí đốt" phụ trách trữ lượng của châu Âu cũng diễn ra trong thời gian này để xem xét tình trạng trữ lượng của các quốc gia thành viên EU. Năm ngoái, EU đã mua 133 triệu mét khối khí của Nga trị giá 35 tỷ euro, tức 25% nhu cầu tiêu thụ, với giá khoảng 350-400 euro/1.000 mét khối. EU cũng cung cấp khí đốt cho Na Uy, Algeria và Libya, đồng thời mua khí hóa lỏng tự nhiên của Qatar và Nigeria.
Hai bên cũng thảo luận về tiềm năng của hai mỏ khí đá phiến ở phía Đông và phía Tây của Ukraine, cũng như trữ lượng khí lưu trữ của Ukraine và việc hiện đại hóa các đường ống dẫn khí đã trở nên cũ kỹ.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), thay vì nhập khẩu khí đốt từ Nga với giá thành cao, Ukraine có thể mua ngược khí đốt của châu Âu bằng cách đảo ngược dòng chảy đường ống dẫn khí đi qua Hungary và Ba Lan, nhưng không vượt quá 2 tỷ mét khối/năm. Bên cạnh đó, việc chuyển khí đốt ngược từ châu Âu có thể qua đường ống thứ ba dẫn tới Slovakia, với khả năng cung cấp từ 3-8 tỷ mét khối/năm. Tuy nhiên, việc này cần phải có thỏa thuận giữa các công ty Slovakia và Ukraine, hiện do Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom kiểm soát. Các cuộc thảo luận hiện đang diễn ra giữa hai công ty để có thể đảo chiều dòng chảy vào cuối năm nay. Việc vận chuyển khí đốt do các quốc gia thành viên EU mua còn phụ thuộc vào tình trạng lưu trữ của châu Âu với khoảng 36 tỷ mét khối.
Ukraine tiêu thụ khoảng 50 tỷ mét khối khí đốt/năm, trong đó chỉ có thể sản xuất được 20 tỷ mét khối, phần còn lại phải mua của Nga. Tuy nhiên, việc mua khí đốt từ Nga bị ảnh hưởng kể từ khi Gazprom quyết định tăng giá bán từ 270 USD lên 500 USD/1.000 mét khối và ra điều kiện tiếp tục bán khí đốt cho Ukraine khi nước này thanh toán khoản nợ trị giá 1,71 tỷ USD.
TTXVN/Tin Tức