Sau cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến ngày 21/1, lãnh đạo 27 nước Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất tăng tốc chiến dịch tiêm chủng, công nhận lẫn nhau kết quả xét nghiệm và xem xét hạn chế hoạt động di chuyển không cần thiết qua biên giới, trong nỗ lực chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khi phải đối mặt với mối đe dọa của các biến thể mới.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel nhận định biên giới nội khối EU phải được mở, vận chuyển hàng hóa sẽ được tiếp tục nhưng cần phải xem xét hạn chế các hoạt động di chuyển không thiết yếu. Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng tất cả các chuyến du lịch không thiết yếu phải bị hạn chế cả trong nội bộ mỗi nước cũng như xuyên biên giới. Cả hai quan chức đều nhấn mạnh rằng hoạt động của thị trường đơn nhất và việc di chuyển xuyên biên giới của những lao động làm việc trong các ngành thiết yếu phải tiếp tục được duy trì.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo muốn một lệnh cấm tạm thời đối với "những chuyến du lịch không thiết yếu" do quan ngại tình trạng lây nhiễm gia tăng sau khi trở về sau kỳ nghỉ tháng 2 tới.
Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ sự phối hợp giữa các quốc gia để tránh phải đóng cửa biên giới, vốn được xem là "giải pháp cuối cùng". Bà giải thích nếu một quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp đôi so với Đức mở tất cả các cửa hàng của mình trong khi Đức đóng cửa, đó là vấn đề. Berlin cũng đang tranh cãi việc xét nghiệm bắt buộc đối với du khách xuyên biên giới, một đề xuất đượcÁo ủng hộ. Paris thì chủ trương "kiểm tra sức khỏe" tại các biên giới nội khối.
Chủ tịch Michel cho biết lãnh đạo các quốc gia thành viên đã nhất trí về một khuyến nghị của Hội đồng châu Âu thiết lập một khuôn khổ chung cho việc sử dụng các xét nghiệm kháng nguyên nhanh và công nhận lẫn nhau về kết quả xét nghiệm COVID-19 trên toàn EU. Đây là một công cụ trung tâm để giúp giảm thiểu sự lây lan của virus và góp phần vào hoạt động trơn tru của thị trường nội khối. Việc công nhận lẫn nhau đối với các kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV2 do các cơ quan y tế được chứng nhận thực hiện là điều cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển xuyên biên giới, truy vết tiếp xúc xuyên biên giới và công tác điều trị.
Khuyến nghị của Hội đồng không mang tính ràng buộc về pháp lý, nhưng nó đưa ra các phương pháp tốt nhất mà các quốc gia thành viên được khuyến khích tuân theo.
Chủ tịch Charles Michel cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu đã thảo luận phương án về chứng chỉ tiêm vaccine ngừa COVID-19 chung và thực hiện các bước nhằm xây dựng một loại tài liệu cho mục đích y tế. Ông Michel cho rằng EU có thể nhất trí về các yếu tố chung để đưa ra một chứng chỉ cho mục đích y tế và lưu ý rằng lãnh đạo các nước đã thận trọng về vấn đề này, vốn đã gây chia rẽ nội khối trong những tuần qua. Hy Lạp muốn cứu ngành du lịch của mình và mong muốn có một loại chứng chỉ tiêm chủng “tiêu chuẩn hóa” được ban hành trong EU.
Trong khi đó, các cuộc thảo luận về chứng nhận vaccine được cho là quá sớm ở một số quốc gia như Pháp và Đức, do tỷ lệ dân số được tiêm chủng thấp và những điều chưa chắc chắn xung quanh hiệu quả của vaccine trong việc chặn virus lan truyền.
Trước sự bùng phát các ca nhiễm mới, một số quốc gia đã thắt chặt các hạn chế trong những ngày gần đây, chẳng hạn ngày 19/1, Đức thông báo kéo dài phong tỏa đến giữa tháng 2, còn Bồ Đào Nha quyết định đóng cửa các trường học.
Trong khi đó, tối 21/1, Quốc hội Hà Lan đã thông qua lệnh giới nghiêm do Thủ tướng Mark Rutte đề xuất. Theo đó, biện pháp này được thực hiện từ 19h tối hôm trước đến 4h30 sáng hôm sau, hiệu lực từ ngày 23/1 tới cho đến ít nhất tới ngày 19/2 tới. Những người vi phạm sẽ chịu mức phạt 95 euro (115 USD).
Đây là lần đầu tiên Hà Lan ban bố lệnh giới nghiêm kể từ sau Chiến tranh thế giới II. Theo Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, biện pháp này là cần thiết nhằm giảm số ca lây nhiễm mới trong bối cảnh biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh có khả năng lây lan nhanh hơn.
Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Praha dẫn Hãng thông tấn Séc (ČTK) cho hay Hạ viện Séc với sự nhất trí của 53 nghị sĩ trên tổng số 98 nghị sĩ có mặt tại cuộc họp đã thông qua việc kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 14/2 trong khi Chính phủ Séc đề nghị kéo dài đến ngày 21/2.
Bộ trưởng Y tế Séc Jan Blatný nhận định các trường học hay các trung tâm trượt tuyết có thể được mở cửa đầu tháng 2, nếu tình hình dịch bệnh cho phép. Theo ông Blatný, điều kiện để nới lỏng là số người nằm viện phải thấp hơn 3.000 người trong khi con số hiện nay là 6.378 người. Tính đến nay, tại Séc đã có 154.989 người được tiêm chủng vaccine.