EU xem xét tái áp dụng ý tưởng về quỹ phục hồi sau đại dịch COVID-19

Ngày 13/12, Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế, ông Paolo Gentiloni nhận định ý tưởng của Liên minh châu Âu (EU) về việc cùng vay nợ để phục vụ các mục tiêu chung, ví dụ như phục hồi sau đại dịch COVID-19, có thể được tái sử dụng nếu việc triển khai kế hoạch phục hồi thành công.  

Chú thích ảnh
Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế, ông Paolo Gentiloni phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 17/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại phiên điều trần trước Ủy ban ngân sách của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp), ông Gentiloni đánh giá ý tưởng trên là “một quyết định phi thường”. Thay vì chỉ áp dụng một lần, ông cho rằng EU có thể tái áp dụng phương pháp huy động các nguồn lực cho một mục tiêu chung. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh trước mắt EU cần triển khai thành công quỹ phục hồi mang tên Next Generation EU, cũng như giải quyết được thách thức liên quan đến huy động các nguồn lực riêng.  

Năm ngoái, để giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19 tới kinh tế, các nước EU đã nhất trí vay 800 tỷ euro (tương đương 903 tỷ USD) và chi cho công tác tái thiết kinh tế theo hướng xanh hóa và số hóa. Các thị trường tài chính đã đón nhận quyết định này rất tích cực, qua đó làm dấy lên đồn đoán rằng quỹ phục hồi này có thể được chuyển đổi thành một cơ chế dài hạn, song điều này đã vấp phải sự phản đối của các nước Bắc Âu. Theo kế hoạch, mỗi thành viên trong số 27 quốc gia của EU sẽ nhận được các khoản tài trợ và khoản vay giá rẻ để đầu tư vào việc giảm lượng khí thải CO2 và giúp các nền kinh tế thích ứng tốt hơn với thời đại kỹ thuật số. Ngân sách cho các dự án sẽ được Ủy ban châu Âu (EC) chuyển cho các chính phủ theo từng đợt cho đến năm 2026, khi các bên hoàn thành các mục tiêu trong thỏa thuận chung. 

Đến nay, EC đã giải ngân 54 tỷ euro (60,95 tỷ USD) cho 18 quốc gia để triển khai các dự án. Tổng cộng có 22 quốc gia có kế hoạch chi tiêu phù hợp với các mục tiêu chung của EU và đã được EC phê duyệt. Trong số 5 quốc gia còn lại, ngoài tiến độ phê duyệt kế hoạch cho Thụy Điển đang tiến triển tốt, việc phê duyệt kế hoạch của Hà Lan và Bulgaria đã bị trì hoãn do thay đổi về chính phủ, Ba Lan và Hungary gặp vướng mắc liên quan đến các vấn đề trong nước.

 Phong Hà (TTXVN)
Bộ trưởng Y tế Đức: EU vẫn cần hạn chế nhập cảnh cho đến khi rõ hơn về Omicron
Bộ trưởng Y tế Đức: EU vẫn cần hạn chế nhập cảnh cho đến khi rõ hơn về Omicron

Bộ trưởng Y tế Đức, Jens Spahn ngày 7/12 cho biết hạn chế người nhập cảnh vào Liên minh châu Âu (EU) vẫn cần thiết cho đến khi các nhà khoa học biết thêm về biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN