Đây là một phần thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh EU cuối tháng 6 vừa qua để tháo gỡ vấn đề gây căng thẳng giữa các nước thành viên EU liên quan việc tiếp nhận người di cư trái phép được các tàu cứu hộ trên biển.
Người di cư tới cảng Sicily, Italy sau khi được cứu trên biển Địa Trung Hải ngày 13/6. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Theo nội dung dự thảo kế hoạch được đăng tải trên các trang tin điện tử của Ủy ban châu Âu (EC), các "trung tâm kiểm soát" sẽ trở thành điểm đến đầu tiên của những người di cư tới EU. Các trung tâm này sẽ do nước chủ nhà quản lý với sự hỗ trợ đầy đủ từ lực lượng biên phòng châu Âu, các chuyên gia tị nạn... Mọi chi phí sẽ do ngân sách EU chi trả. Các nước thành viên EU chấp nhận di dời người tị nạn cũng được hỗ trợ tài chính (6.000 euro/người).
Ủy ban châu Âu (EC) cũng thông báo sẽ cung cấp một điểm liên lạc trung tâm để điều phối giữa các nước thành viên tham gia nỗ lực chung này, như một biện pháp tạm thời cho đến khi một hệ thống đầy đủ hoàn toàn có thể được thiết lập.
Bên cạnh đó, để giảm số người di cư thiệt mạng trên biển, EC đã hối thúc tất cả các nước bên bờ Địa Trung Hải thành lập các vùng tìm kiếm và cứu nạn cũng như những Trung tâm Điều phối giải cứu hàng hải (MRCC).
Tại hội nghị thượng đỉnh EU vừa qua, sau nhiều giờ tranh cãi, các nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận, theo đó thành lập trên lãnh thổ các nước EU những “trung tâm kiểm soát” đón tiếp người di cư được cứu vớt trên biển. Những cơ sở này sẽ được đặt tại các nước thành viên “tự nguyện” và cho phép phân biệt nhanh chóng những người đủ điều kiện xin tị nạn với các trường hợp di cư vì kinh tế.
EU chủ trương những người đủ điều kiện sẽ được hưởng sự bảo trợ quốc tế và được phân bổ vào các quốc gia khác của châu Âu, cũng là các nước đồng ý tự nguyện tiếp nhận. Điều này đáp ứng một phần mong muốn của Italy về chia sẻ trách nhiệm từ các nước trong việc giải quyết vấn đề người di cư. Còn những trường hợp di cư vì lý do kinh tế sẽ bị gửi trả về đất nước họ.