Tuần trước, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) cho biết tạm thời giảm lượng cung cấp vaccine phòng bệnh COVID-19 cho châu Âu để thực hiện một số thay đổi nhằm tăng năng lực sản xuất. Tiếp đó, ngày 22/1, hãng dược AstraZeneca (Anh) nói rằng sẽ không cung cấp đủ lượng vaccine trong các lô hàng đầu tiên được bàn giao do khâu sản xuất gặp trục trặc.
Trong tuyên bố mới nhất, ông Michel nêu rõ: "Chúng tôi có kế hoạch khiến các hãng dược phẩm phải tôn trọng hợp đồng mà họ đã ký... bằng cách sử dụng các công pháp lý sẵn có". Dù không đề cập đến các biện pháp trừng phạt có thể đưa ra, ông Michel cho biết EU sẽ đòi hỏi sự minh bạch về nguyên nhân của sự chậm trễ.
Cùng ngày, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri xác nhận Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã cho phép khu vực tư nhân ở nước này được nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ông Anucha cho biết các công ty tư nhân trước tiên phải đăng ký vaccine với Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) bằng cách nộp các tài liệu liên quan đến chất lượng, an toàn và hiệu quả của vaccine đối với người dân Thái Lan.
FDA sẽ đánh giá chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của vaccine trước khi cho phép các công ty tư nhân tiêm chủng cho mọi người. Theo quan chức này, FDA đã triệu tập các chuyên gia trong và ngoài cơ quan này để đẩy nhanh việc phê duyệt vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, vẫn chưa thể nới lỏng các quy định liên quan đến việc mua sắm vaccine vì đây là sản phẩm liên quan đến tính mạng của người dân.
Về tình hình dịch COVID-19 ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này ngày 24/1 ghi nhận thêm 198 ca mắc và 1 trường hợp tử vong, nâng tổng số các ca bệnh ở nước này lên 13.500 bệnh nhân, trong đó có 73 người không qua khỏi. Trong số các ca mới được ghi nhận có 118 trường hợp nhiễm khi đến những khu vực có nguy cơ cao.
Trong khi đó, tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), chính quyền Dubai, một trong 7 tiểu vương quốc tạo thành UAE, cho biết sẽ giảm tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của hai hãng dược Pfizer và BioNTech (Đức) vì tiến độ giao hàng chậm trễ. Chính quyền Dubai đã bắt đầu triển khai tiêm chủng hàng loạt vào tháng 12/2020 sau khi các vaccine của hãng dược Sinopharm (Trung Quốc) và Pfizer/BioNTech được cấp phép.
Theo giới chức y tế, UAE đã chủng ngừa cho hơn 2 triệu trong tổng số gần 10 triệu dân - một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới. Tuy nhiên, ngày 23/1, Cơ quan Y tế Dubai cho biết sẽ giảm tiến độ tiêm vaccine sau khi Pfizer hồi giữa tháng này thông báo lùi thời điểm giao hàng lên tới 1 tháng cũng vì lý do thay đổi để tăng năng lực sản xuất.
Trong khi các điểm du lịch khác đang áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh, Dubai đã mở cửa trở lại cho du khách từ tháng 7/2020. Tuy nhiên, Dubai hồi tuần trước đã phải hạn chế các hoạt động giải trí, cũng như yêu cầu dừng các cuộc phẫu thuật không cần thiết tại các bệnh viện sau khi số ca mắc COVID-19 tăng đột biến kể từ dịp nghỉ lễ Năm mới.
Chính quyền đã ban hành các hướng dẫn y tế nghiêm ngặt hơn, giảm số người được phép tham gia các cuộc tụ họp xã hội từ 200 xuống còn 10 người, yêu cầu các nhà hàng và quán cà phê tăng khoảng cách giữa các bàn từ 2m lên 3m.
Trong ngày 23/1, UAE đã ghi nhận 3.566 ca mắc mới. Tới nay, số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới 274.000 ca, trong đó có 783 ca tử vong.