Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết bất đồng xuất phát từ tranh cãi trên toàn cầu về đối tượng phù hợp để tiếp cận hàng trăm triệu liều vaccine COVID-19 mà các công ty dược đang sản xuất tại Mỹ.
Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông qua sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 của hãng dược AstraZeneca (Anh) nhưng Mỹ lại vẫn chần chừ. Điều đáng chú ý là hơn 10 triệu liều vaccine AstraZeneca đang được tích trữ tại Mỹ.
Hiện tại, nhiều đối tác của Mỹ đang đề nghị Tổng thống Biden “mở kho” nguồn cung vaccine COVID-19 này với lập luận rằng Washington đã tích trữ đủ vaccine dành cho mọi công dân trưởng thành nước này tiêm đến cuối tháng 5 và đủ cho toàn bộ dân số Mỹ đến cuối tháng 7.
Ngày 12/3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố: “Chúng tôi muốn thừa nguồn cung và chuẩn bị sẵn sàng. Chúng tôi chưa cung cấp những liều vaccine của chính phủ cho bất kỳ ai”.
Về phần mình, AstraZeneca nói rằng số vaccine do Mỹ sản xuất thuộc sở hữu của chính phủ Mỹ và việc chuyển chúng ra nước ngoài cần có sự đồng ý của Nhà Trắng.
Người phát ngôn của AstraZeneca nêu rõ: “Chúng tôi hiểu rằng các chính phủ khác đã gợi ý để Mỹ cung ứng vaccine COVID-19 thuộc AstraZeneca và chúng tôi cũng đề nghị Washington cân nhắc kỹ về điều này”.
Mặc dù Liên minh châu Âu hứng khởi trước việc tái thiết một mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương hiệu quả hơn sau thời kỳ nhiều sứt mẻ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng vấn đề vaccine lại là đề tài hóc búa. Nhiều nước châu Âu cho rằng việc Mỹ tích trữ vaccine là duy trì chính sách “nước Mỹ trên hết” dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Trong tháng 3, các nước châu Âu đã thảo luận về điều này. Chính phủ Đức vào ngày 12/3 thông báo đã liên lạc với các quan chức Mỹ về nguồn cung vaccine COVID-19. Tổng thống Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cử các đại diện để trao đổi về chuỗi cung ứng vaccine.
Điều phối viên ứng phó dịch COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zients cho biết Mỹ tuân thủ quy trình vốn được áp dụng cho các vaccine được thông qua khác. Các hãng dược được chính phủ Mỹ hỗ trợ điều chế, sản xuất vaccine đều nhận yêu cầu ưu tiên bán sản phẩm cho Mỹ.
Trong trường hợp AstraZeneca, chính phủ Mỹ đã đặt hàng 300 triệu liều, đủ cho 150 triệu người dân Mỹ. Bản thân AstraZeneca thông báo đến cuối tháng 3 sẽ có 30 triệu liều dành cho Mỹ và 20 triệu liều khác sẽ có vào cuối tháng 4.
Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Biden đã mua đủ số vaccine từ Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson để đến cuối năm nay tiêm cho 150 triệu người dân Mỹ.
EU đang mâu thuẫn với AstraZeneca bởi công ty này mới chỉ chuyển số vaccine ít hơn nhiều so với cam kết. Theo cam kết, AstraZeneca phải chuyển giao 80 triệu liều trong quý đầu năm nay, nhưng nhiều khả năng công ty này sẽ chật vật để “sang tay” cho EU được một nửa số này.
Mặc dù trong tình trạng thiếu hụt và bị cáo buộc áp dụng chủ nghĩa bảo hộ vaccine nhưng 17 quốc gia EU vẫn chấp thuận xuất khẩu trên 34 triệu liều COVID-19, trong đó bao gồm 953.723 liều cho Mỹ.
AstraZeneca đã đặt mục tiêu trong năm 2021 có thể sản xuất 3 tỷ liều vaccine. Công ty cũng đặt mức giá 4,3 USD-10 USD cho hai liều vaccine. Vaccine COVID-19 do AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) sản xuất có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh.