Trong tuyên bố đưa ra ngày 13/5, Trung tâm tội phạm mạng châu Âu, được gọi là EC3 thuộc Europol, nhận định vụ tấn công lần này có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, do đó đòi hỏi phải có một cuộc điều tra quốc tế phối hợp chặt chẽ để xác định thủ phạm. EC3 cho biết đơn vị này đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm chống tội phạm mạng quy tụ các chuyên gia chống tội phạm công nghệ cao có vai trò chính và hỗ trợ công tác điều tra.
Cũng trong ngày 13/5, Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd đã chủ trì cuộc họp khẩn của Cobra - Ủy ban chuyên ứng phó các vấn đề khẩn cấp, thảo luận về vụ tấn công nhằm vào hệ thống mạng Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) và một số doanh nghiệp của Anh. Theo báo cáo của lực lượng chức năng nước này, hệ thống mạng của 45 tổ chức y tế thuộc NHS ở England và Scotland , bao gồm bệnh viện, phòng khám bác sĩ gia đình, cơ sở y tế đã bị tấn công khiến các bác sĩ, y tá và trợ lý không thể tiếp cận thông tin bệnh nhân, khiến hoạt động khám chữa bệnh tại các cơ sở này hoàn toàn tê liệt. Giới chức NHS buộc phải khuyến cáo bệnh nhân chuyển đến khám bệnh tại các phòng khám cấp cứu trong trường hợp cần thiết.
Trụ sở Europol ở Hague, Hà Lan. Ảnh: AP/TTXVN |
Các vụ tấn công mạng xuất hiện dưới hình thức "tống tiền", theo đó người sử dụng mạng sẽ không thể truy cập dữ liệu trừ phi họ trả cho tin tặc một khoản tiền ảo Bitcoin.
Danh sách nạn nhân của vụ tấn công mạng này vẫn tiếp tục dài thêm. Mới đây nhất, Renault - hãng sản xuất xe hơi lớn thứ 2 của Pháp, đã buộc ngừng hoạt động sản xuất tại nhà máy sản xuất của hãng ở Pháp, Slovenia và Romania do hệ thống máy tính của hãng bị tấn công. Hiện Renault đang tìm cách khắc phục hậu quả để sớm nối lại hoạt động sản xuất. Trước đó, hãng sản xuất xe hơi Nissan của Nhật Bản thông báo nhà máy của hãng ở thành phố Sunderland, Anh đã bị tấn công.
Cảnh sát Ấn Độ ngày 13/5 thông báo 25% số máy tính trong tổng số hơn 100 máy tính mà sở cảnh sát bang Andhra Pradesh đang sử dụng cũng đã bị tấn công. Hiện các chuyên gia mạng đang tìm cách diệt virus.
Một số cơ quan bộ ngành, Ngân hàng trung ương Nga và hệ thống xe lửa của nước này cũng đã trở thành nạn nhân của vụ tấn công mạng. Bộ Nội vụ Nga thông báo virus đã tấn công 1.000 máy tính của Nga, tuy nhiên, lực lượng chức năng nước này cho biết đã kiểm soát vụ tấn công. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã xác nhận nước này chịu ảnh hưởng của vụ tấn công mạng, tuy nhiên chưa rõ hậu quả.
Theo giới chức công ty an ninh mạng F-Secure có trụ sở ở Helsinki, tổng cộng 130.000 hệ thống mạng ở hơn 100 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã bị tấn công, trong đó, Nga, Ấn Độ bị tấn công đặc biệt nghiêm trọng.
Ngay sau các vụ tấn công, các công ty an ninh mạng tư nhân xác định virus gây ra vụ tấn công mạng nói trên là loại mã độc WannaCry - có khả năng tự phát tán trên quy mô lớn bằng cách lợi dụng một lỗi phần mềm trong hệ điều hành Windows của Microsoft Corp. Một chuyên gia an ninh mạng thông báo dường như đã phát hiện cách thức ngăn chặn sự phát tán của WannaCry, bằng cách đăng ký một tên miền được sử dụng bởi mã độc này. Tuy nhiên, chuyên gia này khuyến cáo vẫn cần nâng cấp hệ thống càng sớm càng tốt để tránh nguy cơ bị tấn công mạng. Microsoft cũng đã đưa ra tuyên bố sẽ cung cấp miễn phí phần mềm mới khắc phục lỗi trong hệ điều hành cũ hơn của hãng.