Các nhiệm vụ được Hội đồng châu Âu phê duyệt sẽ cho phép EC triển khai đàm phán với 8 nước gồm Algeria, Ai Cập, Israel, Jordan, Liban, Maroc, Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ về trao đổi thông tin, bao gồm cả các dữ liệu cá nhân, với Europol. Đây là nhiệm vụ quan trọng liên quan tới gói biện pháp chống khủng bố do EC đưa ra từ tháng 10/2017.
Uỷ viên châu Âu phụ trách vấn đề di cư, nội vụ và quốc tịch, Dimitris Avramopoulos. |
Uỷ viên châu Âu phụ trách vấn đề di cư, nội vụ và quốc tịch, ông Dimitris Avramopoulos cho biết, ông luôn hướng tới khả năng tăng cường vai trò của Europol cả trong và ngoài EU. Những kẻ khủng bố và nhiều đối tượng tội phạm có hành động xuyên biên giới chứ không chỉ ở châu Âu mà trên toàn cầu. EU cần phải phối hợp chặt chẽ với các nước láng giềng và các đối tác chính để tăng cường khả năng ứng phó toàn cầu trong cuộc chiến chống khủng bố và tội phạm có tổ chức, đóng góp vào một thế giới an toàn hơn cho mọi người.
Uỷ viên châu Âu phụ trách vấn đề an ninh, ông Julian King, hoan nghênh quyết định của Hội đồng châu Âu nhằm tăng cường sự hợp tác của Europol với các nước thứ ba. EU cần phải cung cấp cho Europol các công cụ và tài nguyên phù hợp để bảo vệ người dân châu Âu, bao gồm trao đổi thông tin quan trọng với các nước láng giềng. Ông Julian King bày tỏ vui mừng khi các Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ của các nước EU cùng chia sẻ quan điểm này.
Một khi được ký, các thỏa thuận sẽ cung cấp cơ sở pháp lý cho việc trao đổi dữ liệu cá nhân giữa Europol với các cơ quan có thẩm quyền của 8 quốc gia nói trên nhằm mục đích ngăn ngừa nạn khủng bố và tội phạm có tổ chức nghiêm trọng. Dự kiến các thỏa thuận cũng sẽ thiết lập những biện pháp cần thiết về đảm bảo quyền riêng tư, cũng như các quyền cơ bản và quyền tự do của cá nhân.