Bộ trưởng tài chính các nước thuộc Khu vực đồng euro (Eurozone) ngày 21/3 tuyên bố sẵn sàng thảo luận với giới chức Cyprus (Síp) một đề xuất mới, hy vọng có nhiều điểm thuận lợi hơn để nước này sớm thông qua trước khi nhận được gói cứu trợ trị giá 10 tỷ euro từ nhóm "bộ ba" chủ nợ gồm Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.Biểu tình phản đối gói cứu trợ quốc tế bên ngoài tòa nhà Quốc hội Cyprus ở Nicosia ngày 19/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu sau cuộc họp trực tuyến kéo dài 2 giờ, Chủ tịch Eurozone, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijssenbloem cho biết các bộ trưởng Tài chính Eurozone đã "chìa cành ôliu" trong bối cảnh Cyprus cũng thảo luận "kế hoạch B" nhằm thực hiện các biện pháp mới để huy động 5,8 tỷ euro, một trong những điều kiện để nhận được gói cứu trợ trên.
Theo dự thảo "kế hoạch B" đã trình Tổng thống Cyprus, ngoài dự định quốc hữu hóa các quỹ lương hưu nhà nước và phát hành trái phiếu khẩn cấp, chính phủ vẫn áp đặt các qui định đánh thuế đối với các khoản tiền gửi ngân hàng, song thay đổi mức đánh thuế khởi điểm từ 20.000 euro trước đây, lên 100.000 euro.
Trong khi nỗ lực đàm phán với các định chế tài chính nước ngoài về điều kiện nhận cứu trợ, ngày 21/3, Chính phủ Cyprus công bố kế hoạch cải cách tổng thể khu vực ngân hàng nhằm tránh nguy cơ sụp đổ sau khi ECB dọa ngừng bơm tiền cho "quỹ hỗ trợ thanh toán khẩn cấp" (ELA). Theo Hội đồng điều hành của ECB, ngân hàng này chỉ cung cấp tiền cho ELA đến hết ngày 25/3, thời điểm Síp thông qua "kế hoạch B" với EU và IMF.
Trong ngày 22/3, Quốc hội Cyprus triệu tập cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về các biện pháp chống khủng hoảng do chính phủ đề xuất, song cho biết cần thêm thời gian để tham vấn trong trường hợp Cyprus không thông qua "kế hoạch B" theo yêu cầu của EU và IMF để đổi lấy gói cứu trợ. Trong hoàn cảnh như vậy, Síp có thể nghiên cứu việc thành lập một "quỹ đoàn kết quốc gia" và áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn nhằm ngăn chặn tình trạng người dân đổ xô đi rút tiền khi các ngân hàng mở cửa trở lại sau một tuần ngừng hoạt động.
Mặc dù vậy, ngày 21/3, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor's (S&P) vẫn tuyên bố giảm một bậc đánh giá tín nhiệm của Cyprus từ CCC+ xuống mức thảm hại CCC với triển vọng tiêu cực. S&P cho rằng bế tắc giữa chính phủ và quốc hội Cyprus trong việc giải quyết mọi vấn đề liên quan đến gói cứu trợ nước ngoài đã tạo ra nhiều áp lực, càng gây khó khăn trong việc ổn định hệ thống tài chính và kinh tế vốn đang rất yếu kém của nước này.
Trước nguy cơ vỡ nợ gia tăng, S&P cảnh báo có thể tiếp tục hạ bậc tín nhiệm nếu chính phủ quốc đảo Địa Trung Hải này không sớm đạt được chương trình cơ cấu hệ thống tài chính. Cho dù Cyprus đảm bảo chương trình tái cơ cấu, cơ quan đánh giá tín nhiệm này sẽ vẫn tiếp tục hạ bậc xếp hạng của Cyprus vào cuối năm nay nếu chính phủ không thể thực hiện các điều kiện của chương trình này.
Trước đó, ngày 21/3, Bộ trưởng Tài chính Cyprus Michalis Sarris đã phải tới Nga tìm kiếm sự trợ giúp của Moscow sau khi Quốc hội nước này bác bỏ những điều khoản mà EU và IMF đặt ra để đổi lấy gói cứu trợ 10 tỷ euro. Mặc dù chưa đạt được thỏa thuận trợ giúp nào, song Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev chỉ trích đề xuất của châu Âu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Cyprus hiện nay. Ông Medvedev cho rằng việc buộc Nicosia áp đặt qui định đánh thuế tiền gửi ngân hàng, một trong những điều kiện để Cyprus nhận được gói cứu trợ của châu Âu và các định chế tài chính quốc tế khác là vô lý. Châu Âu cần xem xét một kế hoạch khác trong tương lai, theo đó dung hòa lợi ích của Cyprus với tất cả các bên liên quan, trong đó có Nga.
Nga cũng tuyên bố có thể rút khỏi hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Síp nếu nước này áp đặt những qui định đánh thuế tiền gửi ngân hàng. Hiện tiền gửi của Nga tại các ngân hàng Cyprus chiếm khoảng 30-50% tổng số tiền gửi trong hệ thống ngân hàng nước này, trong đó khoảng 30 tỷ USD của tư nhân và các công ty.
TTXVN/Tin tức