Phát biểu sau cuộc thảo luận với các bộ trưởng Eurozone tại Bucharest (Romania), Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách các vấn đề kinh tế và thuế Pierre Moscovici xác nhận Hy Lạp đã hoàn tất những gì cần thiết để tôn trọng cam kết. Theo ông, quyết định này sẽ đem lại tín hiệu mới và mạnh mẽ cho các thị trường.
Tuyên bố của các bộ trưởng tài chính Eurozone nêu rõ Hy Lạp đã có những hành động cần thiết để đạt được cam kết cải cách cụ thể. Điều này đồng nghĩa với việc Hy Lạp đã đủ điều kiện để được giải ngân gói hỗ trợ tài chính trị giá 970 triệu euro (1,1 tỷ USD).
Quyết định trên làm dấy lên hy vọng rằng Hy Lạp đã đạt được bước ngoặt về kinh tế. Tháng trước, Hy Lạp đã phát hành trái phiếu có kỳ hạn 10 năm. Hy Lạp hy vọng sẽ thu về 9 tỷ euro (10,1 tỷ USD) tại các thị trường trong năm nay nhằm tăng cường lòng tin của các nhà đầu tư đối với nền kinh tế này. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Hy Lạp trong năm 2019 sẽ đạt 2,4%.
Theo thỏa thuận đạt được tháng 6/2018 với các chủ nợ là IMF, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu (EC), cho tới năm 2022, cứ mỗi 6 tháng, Hy Lạp sẽ được nhận lợi nhuận mà ECB thu được từ danh mục đầu tư trái phiếu Hy Lạp, cũng như từ việc miễn giảm lãi suất đối với một số khoản vay của các ngân hàng trong khu vực.
Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup) ngày 11/3 đã quyết định hoãn cấp cho Hy Lạp khoản tiền trên do Chính phủ Hy Lạp không đáp ứng được yêu cầu về cải cách như đã cam kết với các chủ nợ.
Chủ tịch Eurogroup, ông Mario Centeno, cho biết vấn đề duy nhất là Hy Lạp chưa thông qua dự luật mới, thay thế cho luật đã hết hiệu lực, nhằm bảo vệ nhà ở của những người mắc nợ tín dụng khỏi bị bán đấu giá.
Chương trình cứu trợ quốc tế cho Hy Lạp bắt đầu từ năm 2010. Từ đó tới nay, 3 gói cứu trợ tài chính với các biện pháp cải cách ngặt nghèo đã được triển khai. Gói cứu trợ thứ ba trị giá gần 86 tỉ euro được kích hoạt vào tháng 8/2015 và kết thúc vào tháng 8/2018.