Phóng viên TTXVN tại Berlin ngày 1/7 dẫn lời Bộ trưởng Altmaier nhận định EVFTA đảm bảo sự tiếp cận của các sản phẩm của Đức vào thị trường, cũng như các khoản đầu tư của các doanh nhân Đức vào thị trường ngày càng quan trọng này. Ông Altmaier nhấn mạnh: "Điều rất quan trọng là EU và Việt Nam đã thống nhất các quy tắc rất tham vọng và các tiêu chuẩn cao, đặc biệt là về tính bền vững."
Trong khi đó, ông Volker Treier - Giám đốc ngoại thương của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) - đánh giá EVFTA là một "xung lực đáng kể" đối với nền kinh tế Đức. Trong một thông báo, ông Volker thông tin trao đổi thương mại Đức-Việt Nam hiện chỉ dưới 13 tỷ euro (khoảng 14,7 tỷ USD) nhưng sẽ tăng lên một "mức tăng đáng kể" khoảng 20 tỷ euro (khoảng 22,5 tỷ USD) trong vài năm tới.
Trước đó, chiều 30/6, tại Hà Nội, Việt Nam và EU đã ký kết EVFTA và EVIPA. Các thỏa thuận được Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmström và Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký tại Hà Nội, hơn 3 năm sau kết thúc đàm phán tháng 12/2015. Sau khi được ký kết, các Hiệp định sẽ được trình lên Quốc hội Việt Nam cũng như Nghị viện châu Âu để phê chuẩn. Một khi Cơ quan lập pháp của hai bên đồng ý, Hiệp định thương mại tự do sẽ có hiệu lực và đi vào thực thi. Trong khi đó, ngoài các thủ tục trên, EVIPA còn cần phải được các Nghị viện của các quốc gia thành viên EU phê chuẩn theo thủ tục nội bộ của từng nước.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN với kim ngạch thương mại hàng hóa đạt gần 50 tỷ euro và trên 3 tỷ euro giá trị thương mại dịch vụ. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU gồm thiết bị viễn thông, giày dép và dệt may, đồ nội thất và nông sản. EU chủ yếu xuất sang Việt Nam các hàng hóa như máy móc và thiết bị vận tải, các loại hóa chất, thực phẩm và đồ uống.