Giám đốc chương trình F-35 của Na Uy, Thiếu Tướng Morten Klevar, đã miêu tả những chiến đấu cơ F-35 mới “quan trọng để tiếp diễn công cuộc hiện đại hóa lực lượng vũ trang nước này cũng như khả năng bảo vệ an ninh cũng như lợi ích của Na Uy và các đồng minh”.
3 chiếc F-35 đầu tiên của Na Uy tại căn cứ không quân Oerland Main. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, trong khi chi hàng tỉ USD cho dòng chiến đấu cơ mới, Na Uy đã nhận được bất ngờ đặc biệt ngoài hợp đồng. Theo đó, Na Uy là quốc gia nước ngoài đầu tiên tiếp nhận dữ liệu nhiệm vụ của F-35 từ phần mềm thuộc Không quân Mỹ, tạo điều kiện để chiến đấu cơ này thực hiện nhiệm vụ căn bản đồng thời cung cấp cho phi công “nhận biết rõ về tình hình”.
Vậy nhưng, Bộ Quốc phòng Na Uy sớm nhận ra rằng hạm đội F-35 của họ đồng thời tự động truyền các dữ liệu nhạy cảm tới máy chủ của Lockheed Martin tại Fort Worth, bang Texas (Mỹ) sau mỗi chuyến bay.
Cố vấn cấp cao Bộ Quốc phòng Na Uy Lars Gjemble đã chia sẻ với truyền thông địa phương: “Cần có bộ lọc để những quốc gia sử dụng F-35 có thể loại trừ thông tin nhạy cảm được chia sẻ bởi hệ thống với nhà sản xuất Lockheed Martin”.
Mặc dù ông Gjemble ca ngợi F-35 đóng vai trò chủ chốt cho năng lực không quân của Na Uy nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng lượng thông tin gửi đến Lockheed Martin có thể gây tổn hại an toàn của phi công. Ông Gjemble đồng thời so sánh sự kiện “tuồn thông tin cho Lockheed Martin” tương tự “dữ liệu trong máy iPhone của bạn được chia sẻ với nhà sản xuất Apple”.
Na Uy đã thỏa thuận mua 40 chiếc chiến đấu cơ F-35 của Lockheed Martin và dự tính sẽ mua thêm 12 chiếc khác với tổng chi phí bỏ ra vào khoảng 8,36 tỉ USD. Một số chi tiết liên quan tới thỏa thuận này đã gây xôn xao. Theo đó, trong tháng 11 có thông tin cho rằng những chiếc F-35 đắt đỏ sẽ được “đóng quân” tạm trong lều cho đến khi việc thi công các nhà chứa phi cơ được hoàn thành, dự kiến vào năm 2020.