Trong thư gửi Boeing ngày 11/1, FAA cho biết sẽ kiểm tra các quy trình của Boeing để đảm bảo máy bay của hãng an toàn khi bay. FAA nêu rõ: "Boeing có thể đã không đảm bảo sản phẩm hoàn chỉnh tuân thủ thiết kế đã được phê duyệt và trong điều kiện vận hành an toàn theo quy trình kiểm tra và thử nghiệm của hệ thống chất lượng".
Ngày 5/1, máy bay Boeing 737 Max 9 của hàng hàng không Alaska Airlines đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp ở Portland, bang Oregon (Mỹ) do bị bung thân trong quá trình bay. Sau sự cố này, hãng hàng không Alaska đã hủy tất cả các chuyến bay Boeing 737 Max 9 cho đến ngày 13/1 tới. FAA cũng yêu cầu dừng bay đối với một số máy bay Boeing 737 Max 9.
FAA nhấn mạnh "sự cố này lẽ ra không được xảy ra và không thể xảy ra lần nữa". Theo cơ quan trên, các hoạt động sản xuất của Boeing cần tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn cao mà họ có trách nhiệm đáp ứng về mặt pháp lý.
Ủy ban An toàn Giao thông liên bang Mỹ cũng đang điều tra về vụ việc này.
Về phần mình, Boeing khẳng định "sẽ hợp tác đầy đủ và minh bạch với FAA và Ủy ban An toàn giao thông trong các cuộc điều tra”. Trong tuyên bố đưa ra ngày 9/1, Giám đốc điều hành (CEO) của Boeing, ông Dave Calhoun, đã nhận trách nhiệm về sự cố chiếc máy bay 737 MAX 9 của hãng bị bung một phần thân khi đang bay, đồng thời cam kết hãng sẽ "hoàn toàn minh bạch" trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng này. Ông thừa nhận sự cố xảy ra là "lỗi của chúng ta" và hãng sẽ phối hợp với các nhà quản lý để "không bao giờ lặp lại sự cố".
Sau sự cố trên của hãng hàng không Alaska Airlines, nhiều hãng hàng không không chỉ ở Mỹ mà còn ở nước ngoài đã đình chỉ hoạt động đối với các máy bay Boeing 737 Max 9. Ngày 11/1, Cơ quan hàng không dân dụng Panama cũng đã tạm đình chỉ hoạt động của 21 máy bay Boeing 737 MAX 9 thuộc hãng hàng không Copa Airlines. Hãng hàng không Copa có tổng cộng 29 máy bay Boeing 737 MAX 9, song chỉ có 21 chiếc có cửa thoát hiểm khẩn cấp giống máy bay gặp sự cố của hãng hàng không Alaska.