Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị FAO khu vực Mỹ Latinh và Caribe lần thứ diễn ra tại Guyana, ông Khuất Đông Ngọc nêu lên các thách thức mà khu vực này phải đối mặt trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực cho người dân, bao gồm hoạt động kinh tế chậm lại, giá cả hàng hóa biến động, chi phí lương thực cao và tác động của biến đổi khí hậu.
Để ứng phó với những thách thức trên, người đứng đầu FAO ủng hộ việc thúc đẩy sự phát triển của khu vực nông thôn và tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến trong ngành nông nghiệp, đồng thời đề nghị các nước chia sẻ ý tưởng, kiến thức và giải pháp đổi mới cho những khó khăn mà khu vực đang phải đối mặt.
Tại hội nghị kéo dài 4 ngày này, Bộ trưởng Nông nghiệp các nước Mỹ Latinh và các chuyên gia Liên hợp quốc sẽ thảo luận về hàng loạt chủ đề khác nhau, bao gồm sản xuất hiệu quả, toàn diện và bền vững; an ninh lương thực và dinh dưỡng; quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với khủng hoảng khí hậu; giảm bất bình đẳng, nghèo đói và thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế.
Báo cáo mới nhất của FAO cho thấy khoảng 6,5% dân số tại khu vực châu Mỹ Latinh và Caribe đang sống trong tình trạng thiếu ăn, tương đương với khoảng 43,2 triệu người đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các loại thực phẩm thiết yếu cho nhu cầu hàng ngày.
Mặc dù tỷ lệ đói ăn tại Mỹ Latinh, khu vực có tổng cộng 650 triệu dân, đã giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn cao hơn 0,9% so với năm 2019, giai đoạn trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Điều này đồng nghĩa với việc đã có khoảng 6 triệu người bị thêm vào danh sách thiếu ăn so với cách đây 5 năm.
Ông Mario Lubetkin, Phó Tổng Giám đốc FAO phụ trách Mỹ Latinh và Caribe, cho biết tình trạng thiếu ăn tại khu vực tiếp tục ở mức đáng báo động, trong khi các tổ chức quốc tế cũng như chính phủ sở tại chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để cải thiện tình hình, khiến mục tiêu xóa bỏ đói nghèo vào năm 2030 ngày càng xa vời.