Phát biểu tại sự kiện kỷ niệm Ngày quốc tế Sức khỏe thực vật ở thủ đô Gaborone của Botswana ngày 13/5, bà Lesedi Modo-Mmopelwa, trợ lý đại diện FAO tại Botswana cho biết sâu bệnh và cỏ dại là "thủ phạm" gây thiệt hại 40% mùa vụ lương thực mỗi năm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực và dinh dưỡng của Botswana, đặc biệt là đối với các nhóm dễ bị tổn thương ở cộng đồng dân cư nông thôn phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp.
Theo bà Modo-Mmopelwa, biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người cũng đang gây hại cho sức khỏe thực vật và phá vỡ đa dạng sinh học, đồng thời tạo ra môi trường sống thuận lợi cho sâu bệnh, khiến chúng phát triển mạnh ở những vùng chưa từng thấy trước đây. Bà nhấn mạnh thực trạng này có thể dẫn tới gia tăng sử dụng thuốc trừ sâu để đối phó với sự lây lan của dịch bệnh, gây nguy hại đối với các loài thụ phấn, thiên địch của sâu bệnh và các sinh vật quan trọng đối với hệ sinh thái. Do đó, điều quan trọng là phải bảo vệ sức khỏe thực vật xuyên biên giới bằng cách thúc đẩy hợp tác toàn cầu và các tiêu chuẩn quốc tế, như Tiêu chuẩn quốc tế về các biện pháp kiểm dịch thực vật.
Botswana là thành viên của Công ước quốc tế về Bảo vệ thực vật (IPPC) - công ước bảo vệ thực vật, nông sản và tài nguyên thiên nhiên trên thế giới trước các loại sâu bệnh. IPPC đã triển khai Chương trình kiểm dịch thực vật châu Phi (APP) - chương trình kiểm dịch thực vật đầu tiên của lục địa này, nhằm giúp tất cả 54 quốc gia châu Phi phòng ngừa và kiểm soát sâu bệnh thực vật. APP kéo dài 5 năm, được thực hiện với sự hợp tác của FAO và Liên minh châu Phi (AU), nhằm giúp các Tổ chức bảo vệ thực vật quốc gia của châu Phi (NPPO) giám sát hiệu quả, phát hiện nhanh và hiệu quả, ứng phó và phục hồi sau khi bị ảnh hưởng của sâu bệnh. Giai đoạn thí điểm của APP có 11 quốc gia châu Phi tham gia.
LHQ chọn ngày 12/5 là Ngày Quốc tế về sức khỏe thực vật, do Ban Thư ký IPPC và FAO tổ chức. Sự kiện kỷ niệm năm nay được tổ chức với chủ đề “Sức khỏe thực vật, Thương mại an toàn và Công nghệ số”.