Phóng viên TTXVN tại Italy dẫn phát biểu ông Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh rằng trong năm 2023, hơn 20% dân số châu Phi bị ảnh hưởng bởi nạn đói, lên tới gần 300 triệu người. Nếu thế giới không hành động nhanh hơn và tăng cường huy động nguồn lực, dự kiến số người phải đối mặt với nạn đói ở châu Phi sẽ tăng thêm 10 triệu người vào năm 2030. Châu Phi vẫn là khu vực mất an ninh lương thực nhất thế giới, với 58% dân số đang phải chịu tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng.
Ông Khuất Đông Ngọc đánh giá rằng châu Phi có thể đảm bảo được an ninh lương thực nếu cùng làm việc với tất cả các đối tác để đạt được sự chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp thực phẩm của châu Phi để trở nên hiệu quả hơn, toàn diện hơn, có sức chống đỡ hơn và bền vững hơn.
Trong thời gian tới, FAO vẫn cam kết hỗ trợ châu Phi, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi toàn diện các hệ thống nông sản thực phẩm của châu lục này, giải quyết hiệu quả, hiệu suất và mạch lạc tình trạng mất an ninh lương thực, đói nghèo và tác động của khủng hoảng khí hậu.
FAO luôn ủng hộ Chương trình nghị sự Malabo, với danh sách đầy tham vọng về các mục tiêu nông nghiệp cụ thể cần đạt được vào năm 2025, và Chương trình Phát triển Nông nghiệp toàn diện châu Phi. Từ năm 2017, FAO đã hợp tác với Ủy ban Liên minh Châu Phi để đóng góp vào cơ chế báo cáo 2 năm một lần của Chương trình, cung cấp năng lực để giám sát cam kết của Tuyên bố Malabo nhằm tăng cường khả năng phục hồi của sinh kế và hệ thống sản xuất trước tác động của khủng hoảng khí hậu và các rủi ro liên quan khác.
Tổng giám đốc Khuất Đông Ngọc nói: “Tôi muốn tái khẳng định sự tập trung và cam kết liên tục của FAO trong việc hỗ trợ châu Phi đạt được chương trình nghị sự hậu Malabo”.
Sau tháng 1/2025, dữ liệu, công cụ và phương pháp tiếp cận hiện có của FAO sẽ hỗ trợ thiết kế, triển khai và theo dõi chương trình nghị sự hậu Malabo. Hơn nữa, lộ trình toàn cầu của FAO, hướng tới đạt được Mục tiêu phát triển bền vững 2 (SDG2) của LHQ mà không vi phạm ngưỡng 1,5°C, sẽ đảm bảo rằng các hành động của châu Phi phù hợp và hưởng lợi từ chương trình nghị sự toàn cầu.
Sự hỗ trợ của FAO không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức và bằng chứng cho các quốc gia. FAO còn thúc đẩy những thay đổi trên thực tế. Ví dụ, Sáng kiến Hand-In-Hand Flagship của FAO hỗ trợ 40 quốc gia trên khắp châu Phi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thông qua các dự án cụ thể.