Phóng viên TTXVN tại Bắc Phi dẫn thông báo của FAO nhấn mạnh do xung đột kéo dài và khủng hoảng ngày càng trầm trọng kể từ năm 2011 đến nay nên đã làm suy yếu các nỗ lực đạt được Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu xóa đói. Cụ thể, nạn đói vẫn đang gia tăng ở Trung Đông và Bắc Phi, nơi có hơn 52 triệu người trong tình trạng thiếu dinh dưỡng. Năm quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất gồm Iraq, Libya, Sudan, Syria và Yemen.
Tại Yemen, cuộc chiến kéo dài hơn 4 năm qua đã giết chết hàng chục nghìn người, bao gồm nhiều thường dân. Hơn 2/3 trong số khoảng 24 triệu dân ở nước này đang cần được hỗ trợ khẩn cấp, tạo thành cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới trong nhiều năm trở lại đây.
Theo ông Abdessalam Ould Ahmed, Đại diện FAO ở khu vực MENA, xung đột đã làm gián đoạn sản xuất lương thực và chăn nuôi ở một số quốc gia, qua đó gây ảnh hưởng đến dự trữ thực phẩm trong khu vực. Ngoài các cuộc xung đột, sự gia tăng dân số nhanh, thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên, đe dọa của biến đổi khí hậu, thất nghiệp gia tăng và hạn chế dịch vụ cũng như cơ sở hạ tầng ở nông thôn… là nguyên nhân dẫn đến tình trạng duy dinh dưỡng cao ở khu vực này.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng hiện nay, FAO kêu gọi tạo điều kiện cho việc chuyển đổi từ canh tác sinh kế sang tăng cường các hệ thống sản xuất đa dạng và mang tính thương mại hơn. FAO cũng kêu gọi các quốc gia trong khu vực cải thiện tiếp cận thị trường cho nông dân, thúc đẩy đầu tư và đổi mới trong nông nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước…