Theo tờ Washington Post (WaPo) ngày 13/1, đây là thông tin có trong bản báo cáo lưu hành nội bộ mà WaPo tiếp cận được. Thông tin này trái với những tuyên bố trước đó của giới chức FBI tại văn phòng Washington D.C, nói rằng không có thông tin tình báo nào cho thấy có nguy cơ biểu tình gây hại, trái luật của đám đông người ủng hộ Tổng thống Donald Trump.
Báo cáo tin tình huống được Văn phòng FBI tại Virginia đưa ra chỉ một ngày trước khi xảy ra biến cố “Điện Capitol thất thủ”, cho thấy các kế hoạch biểu tình nguy hiểm.
“Ngày 5/1, Văn phòng FBI tại Norfolk (Virginia) thu được thông tin về việc một số đối tượng kêu gọi bạo lực, để phản đối quyết định áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp từ ngày 6/1 ở Washington D.C”, báo cáo tình huống đề cập.
Văn phòng FBI tại Virginia thu được nội dung trao đổi trên mạng của nhiều đối tượng. Số này kêu gọi “sẵn sàng chiến đấu”, với thông điệp “Quốc hội cần phải nghe được tiếng kính vỡ, phòng họp bị xâm chiếm”, “hãy hành động bằng vũ lực, ngừng gọi đây là biểu tình, tuần hành. Hãy tới đó để sẵn sàng cho chiến tranh”. Một số đối tượng còn mô tả cả hệ thống đường hầm trong nhà Quốc hội, phân công nhiệm vụ hậu cần, tiếp ứng, sơ cứu người biểu tình bị thương…
Thông tin cảnh báo trên đây là bằng chứng rõ nét nhất cho thấy thất bại guồng máy tình báo đồ sộ tại Mỹ trong ngăn chặn biến cố biểu tình bạo loạn ngày 6/1, khiến 5 người thiệt mạng. Tuy nhiên, một quan chức giấu tên thuộc lực lượng thực thi pháp luật cho rằng lỗi không phải là cơ quan tình báo, mà là các đơn vị tiếp nhận, xử lý thông tin.
Trước đó, Giám đốc văn phòng FBI tại Washington D.C, ông Steven D’Antuono nói rằng đơn vị này không thu được bất kỳ thông tin tình báo nào cho thấy đám đông ủng hộ ông Trump sẽ hành động vượt giới hạn một cuộc biểu tình đúng pháp luật. Trước thông tin mà WaPo cung cấp, ông D’Antuono khẳng định, thông tin tình báo của Văn phòng Virginia được chia sẻ với các đối tác trong đơn vị chống khủng bố hỗn hợp, gồm cảnh sát Quốc hội, cảnh sát Washington và các cơ quan an ninh liên bang, cấp bang.
Người đứng đầu Văn phòng FBI ở Washinton nhìn nhận, lực lượng thực thi pháp luật khó ra quyết định kể cả khi có được thông tin này, bởi FBI tại thời điểm đó không biết rõ ai là người tung ra những bình luận, tung tin trên mạng xã hội. Trong khi đó, Văn phòng FBI tại Norfolk nói rằng họ hoàn tất báo cáo tình huống trong vòng 45 phút sau khi nhận được thông tin và chia sẻ với đồng nghiệp ở Washington.
Trả lời phỏng vấn ngày 12/1, ông Steven Sund, người mới từ chức giám đốc Cảnh sát Quốc hội tuần trước, nói rằng ông chưa bao giờ nhận được thông báo nào từ FBI, khẳng định một khi tiếp cận được thông tin này, USCP cùng các lực lượng khác chắc chắn đã xem xét nghiêm túc cảnh báo đe dọa.
Báo cáo tình huống đề ngày 5/1 của FBI tại chi nhánh Virignia cũng lưu ý, thông tin này thể hiện quan điểm, đánh giá của Văn phòng FBI ở đây và không được chia sẻ với các cơ quan thực thi pháp luật bên ngoài. Báo cáo dừng ở mức độ “đánh giá sơ bộ”, yêu cầu đầu mối nhận thông tin “không được hành động dựa trên báo cáo mà không có phối hợp trước với FBI”.
Một nguồn tin ẩn danh khác cho biết vài tuần trước khi xảy ra biến cố người biểu tình tràn vào tòa nhà Quốc hội, các đặc vụ FBI đã tăng cường bám nắm một số đối tượng cực hữu khả nghi, với hy vọng thu được thông tin về kế hoạch hành động bạo lực của người biểu tình. Hiện chưa rõ danh tính những người đã nằm trong tầm ngắm của FBI cũng như việc liệu có ai trong số này bị cáo buộc phạm tội trong vụ đột nhập Điện Capitol hay không.
Phản ứng trước thông tin mà WaPo đăng tải, FBI cho biết theo chuẩn mực quy định về tổ chức và hoạt động, FBI không bình luận về những thông tin liên quan đến các báo cáo tình báo cụ thể. Nhưng cơ quan này cũng khẳng định, các văn phòng đại diện của FBI thường xuyên chia sẻ thông tin với các đối tác thực thi pháp luật ở địa phương nơi đứng chân, hỗ trợ bảo đảm an ninh cho các cộng đồng.