Phát biểu với báo giới, Chủ tịch FED chi nhánh New York nhấn mạnh đặc biệt quan tâm tới sự cải thiện hơn nữa trên thị trường việc làm và chỉ số lạm phát. Hiện tại, nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn chưa thực sự đạt được mục tiêu tăng trưởng việc làm tối đa và lạm phát ở mức 2%. Ông lưu ý rằng đã có "chuyển động mạnh mẽ" trong dữ liệu việc làm và lạm phát, nhưng "hiện là thời điểm có độ bất ổn rất cao" và còn quá sớm để đánh giá sự tiến bộ của nền kinh tế.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm xuống 5,9% nhưng vẫn cao hơn mức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong 13 năm qua và vượt mọi dự báo của của giới chuyên gia. Áp lực giá cả đang lớn dần khi doanh nghiệp chật vật đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong bối cảnh nguồn cung hàng hóa, nguyên liệu và cả nhân công đều thiếu hụt. Ngoài ra, tình trạng tắc nghẽn của hệ thống vận tải, chi phí đầu vào cao và mức lương tăng mạnh cũng đang đặt r nhiều thách thức cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Williams và Chủ tịch FED Jerome Powell đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đợt tăng lạm phát này, cho rằng nguyên nhân là do các vấn đề tạm thời như việc các nền kinh tế trên toàn cầu mở cửa trở lại không đồng đều và nguồn cung tắc nghẽn. Mặc dù vậy, trong cuộc họp tháng trước, các nhà hoạch định chính sách của FED cho biết sẽ chuẩn bị sẵn sàng rút lại chương trình thu mua trái phiếu để ứng phó với "những diễn biến kinh tế bất ngờ", bao gồm cả thị trường việc làm phục hồi hoàn toàn và lạm phát vượt mức 2% nhanh hơn dự đoán.
Đại dịch COVID-19 bùng phát đã "cuốn trôi" hơn 20 triệu việc làm tại Mỹ và hiện nay, nền kinh tế nước này vẫn thiếu hụt khoảng 6,8 triệu việc làm. Ngay từ những tuần đầu sau khi đại dịch hoành hành, FED đã giảm lãi suất cơ bản xuống mức gần bằng 0% và chi 120 tỷ USD/tháng để mua trái phiếu.