Trong buổi tọa đàm trực tuyến do Đại học Princeton tổ chức, ông Powell cho hay sau khi tình hình dịch bệnh thuyên giảm, nước Mỹ nhiều khả năng sẽ chứng kiến làn sóng chi tiêu mạnh mẽ do người dân trở lại cuộc sống bình thường và "đổ tiền" vào một số dịch vụ.
Mức lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn ở mức thấp trong bối cảnh nước này đang vật lộn với đại dịch, vốn là nguyên nhân khiến lượng lớn người lao động thất nghiệp và buộc chính phủ chi hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ người dân vượt qua cuộc khủng hoảng này. Hồi năm ngoái, FED đã công bố chính sách lạm phát mới, cho phép cơ quan này duy trì lãi suất cơ bản bằng 0 trong thời gian dài và thả nổi lạm phát vượt ngưỡng 2% trong một thời gian nhất định nhằm thúc đẩy thị trường lao động. Tuy nhiên, trong phát biểu lần này, ông Powell đã không đưa ra dự đoán về việc chi tiêu tiêu dùng sau đại dịch có thể khiến lạm phát tăng cao, song khẳng định FED đã có sự chuẩn bị nếu kịch bản này diễn ra.
Bên cạnh đó, Chủ tịch FED nhấn mạnh cơ quan này sẽ không thảo luận sớm về khả năng thu hẹp quy mô chính sách nới lỏng tiền tệ, vốn đang được triển khai, vì cho rằng điều này ảnh hưởng đến thị trường tài chính.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi một số quan chức FED trong thời gian gần đây đồn đoán FED có thể bắt đầu thu hẹp chương trình thu mua trái phiếu sớm nhất vào năm nay. Tuy nhiên, trong cuộc họp chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 12/2020, FED đã quyết định không thay đổi chương trình này và sẽ duy trì lộ trình hiện nay với mức 120 tỷ USD/tháng cho đến khi thị trường việc làm và lạm phát có tiến triển đáng kể.
Trước đó, bà Lael Brainard, thành viên hội đồng thống đốc FED, khẳng định tiến độ chương trình thu mua trái phiếu hiện này sẽ duy trì một cách hợp lý trong một thời gian dài bởi đà hồi phục kinh tế sau đại dịch vẫn chậm. Theo bà, nền kinh tế vẫn còn cách xa với các mục tiêu về việc làm và lạm phát, thậm chí còn xấu hơn so triển vọng, do vậy, phải mất thời gian để nền kinh tế Mỹ đạt được những tiến bộ đáng kể.