Trong báo cáo cuộc họp chính sách diễn ra từ ngày 30-31/7 vừa qua và được công bố ngày 21/8, FED nhấn mạnh hầu hết các thành viên cấp cao đều đánh giá quyết định giảm lãi suất hồi tháng 7 vừa qua là sự điều chỉnh giữa chu kỳ.
Viện dẫn những nguy cơ bất ổn tiềm tàng và triển vọng không rõ ràng của nền kinh tế, các quan chức FED nhấn mạnh giới lập pháp cần duy trì sự linh hoạt và tập trung phân tích những dữ liệu sắp tới để đánh giá triển vọng, từ đó có những bước đi phù hợp. FED nhấn mạnh không có một "lộ trình vạch sẵn" cho cắt giảm lãi suất cơ bản.
Biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang - cơ quan hoạch chính sách của FED - cũng chỉ ra sự chia rẽ giữa các thành viên về chính sách lãi suất. Trong khi nhiều ý kiến cho rằng cần cắt giảm thêm lãi suất cơ bản cũng có những ý kiến bày tỏ quan điểm giữ nguyên lãi suất vì cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì tốt.
Báo cáo của FED đồng thời đề cập đến tình hình kinh tế toàn cầu và kinh tế Mỹ. Theo đó, cơ quan này nhận định tăng trưởng toàn cầu yếu kém kéo dài và căng thẳng thương mại đang diễn ra sẽ làm giảm tốc kinh tế Mỹ, qua đó ảnh hưởng tới việc đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%.
Sau 4 đợt tăng lãi suất hồi năm ngoái, lần cuối cùng vào tháng 12/2018, cuối tháng 7 vừa qua, FED đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25% từ biên độ 2,25-2,5% xuống biên độ 2-2,25%. Đây là lần điều chỉnh hạ lãi suất đầu tiên của FED kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. FED từ lâu đã chịu sức ép từ yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đảo ngược tiến trình tăng lãi suất và cắt giảm mạnh lãi suất cơ bản nhằm kích thích nền kinh tế.
Nhà Trắng cho rằng FED nên cắt giảm mạnh lãi suất cơ bản để phù hợp với các nền kinh tế khác. Theo Cố vấn Thương mại Mỹ Peter Navarro, lộ trình tăng lãi suất của FED hồi năm ngoái là quá nhanh trong khi mức cắt giảm lãi suất hồi tuần trước chỉ dừng ở mức 0,25%. Quan chức này nhấn mạnh đến cuối năm nay, FED phải hạ lãi suất ít nhất thêm 0,75% hoặc 1% nhằm đưa tỷ lệ lãi suất của nước này ngang bằng với các nước khác trên thế giới.
Theo phân tích của cố vấn Navarro, người vốn có quan điểm cứng rắn trong vấn đề thương mại với Trung Quốc, việc tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD mạnh lên, qua đó ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Mỹ. Trong khi đó, Bắc Kinh đã có biện pháp đáp trả chính sách thuế của Mỹ khi can thiệp vào thị trường hối đoái.