Giao dịch viên làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York ngày 17/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo biên bản của FED công bố ngày 8/10, trong cuộc họp thường kỳ ngày 16-17/9 vừa qua của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan này vẫn quyết định tiếp tục duy trì lãi suất gần như bằng 0% được áp dụng từ tháng 12/2008 nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Biên bản nêu rõ hầu hết các quan chức đều cho rằng "những diễn biến tài chính và kinh tế toàn cầu trong thời gian gần đây, bao gồm việc đồng USD mạnh lên và những tác động từ tình trạng giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và các thị trường mới nổi, đã kìm hãm hoạt động kinh tế Mỹ".
Mặc dù nền kinh tế đầu tàu thế giới đang trên đà tăng trưởng "vừa phải" và thị trường lao động cũng có nhiều tín hiệu tích cực, song giới chức FED đều không tỏ ra lạc quan về việc chỉ số lạm phát sẽ đạt được mức mục tiêu 2% mà thể chế tài chính này đã đề ra. Do đó, FED quyết định "sẽ thận trọng chờ đợi thêm thông tin để có thể khẳng định triển vọng của nền kinh tế Mỹ sẽ không xấu đi cũng như lạm phát đạt được mức mục tiêu" trước khi điều chỉnh lãi suất.
Trước đó, trong một thông báo được đưa ra cùng ngày sau khi kết thúc hai ngày họp, Chủ tịch FED Janet Yellen cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu là "không chắc chắn", đồng thời bày tỏ quan ngại về tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác dẫn đến tình trạng bất ổn của các thị trường tài chính.
FED đã bày tỏ ý định tăng lãi suất cơ bản, đồng thời áp dụng các biện pháp thắt chặt tiền tệ, song động thái này theo giới chuyên gia kinh tế, nếu được áp dụng có thể sẽ gây nên những biến động trên thị trường, khiến các nền kinh tế mới nổi cũng như các nước đang phát triển phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Mức lãi suất cơ bản thấp gần như bằng 0% được FED áp dụng từ tháng 12/2008 tới nay. Những số liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng đủ mạnh, lạm phát yếu và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp 5,1% khiến giới chuyên gia dự đoán thời gian trì hoãn nâng tỷ lệ lãi suất cơ bản sẽ không kéo dài lâu.