Bàn luận về cái chết và sự sống, nhà tư tưởng lỗi lạc José Martí (1853 - 1895), người duy nhất được tôn vinh với danh xưng chính thức Anh hùng Dân tộc tại Cuba, từng có câu nói nổi tiếng “Cái chết không phải là thật khi kiệt tác trong đời đã hoàn thành”.
Đó cũng là câu châm ngôn được người dân Cuba trích dẫn lại nhiều nhất mỗi dịp tưởng niệm ngày lãnh tụ cách mạng lịch sử Fidel Castro ra đi vào cõi vĩnh hằng, ngày 25/11/2016.
Và ở thời điểm cuối năm 2021, khi Cuba đang từng bước vượt qua đại dịch COVID-19, những khó khăn kinh tế - xã hội chồng chất cùng vòng cương tỏa kinh tế - thương mại – tài chính ngặt nghèo chưa từng thấy, thì bản lĩnh, ý chí, tầm nhìn và trí tuệ của Fidel, nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất trong lịch sử 200 năm độc lập của khu vực Mỹ Latinh, lại càng tỏa sáng hơn bao giờ hết.
Một cuộc đời đấu tranh không ngừng nghỉ
Cuộc tấn công táo bạo của 160 thanh niên theo lý tưởng cách mạng và trang bị thô sơ vào Trại lính Moncada ngày 26/7/1953 vẫn được xem là khởi đầu của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Cuba chống lại chế độ độc tài Batista, với thắng lợi hoàn toàn vào ngày 1/1/1959. Nhưng con đường đấu tranh cách mạng của cá nhân Fidel đã bắt đầu từ trước đó rất lâu.
Ngay từ khi còn là sinh viên, chàng trai Fidel đã chứng tỏ là người có sức làm việc và hoạt động phi thường khi cùng lúc theo học ba chuyên ngành đại học, gồm luật, luật ngoại giao và khoa học xã hội, luyện tập thường xuyên các môn thể thao bóng chày, bóng rổ và cờ vua, luôn duy trì đam mê đọc sách, đồng thời là một thủ lĩnh tích cực trong các phong trào và tổ chức thanh niên, sinh viên, nơi ông thấm nhuần và thực hành tư tưởng của các nhà cách mạng yêu nước tiền bối, đặc biệt là nhà giải phóng José Martí.
Năm 1947, khi mới 21 tuổi, Fidel đã tham gia tích cực phong trào nhằm lật đổ độc tài Rafael Trujillo tại quốc gia láng giềng Dominica, thậm chí còn trực tiếp góp phần trong cuộc đổ bộ vũ trang bất thành tại cù lao Confites, nơi ông trốn thoát nhờ khả năng bơi lội như một vận động viên bán chuyên.
Năm 1948, Fidel Castro – trong vai trò thành viên phái đoàn của Liên đoàn sinh viên đại học Cuba (FEU), đã tham gia vào phong trào phản kháng của các lực lượng xã hội phản đối việc thành lập Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) tại Hội nghị liên Mỹ lần thứ IX tại Colombia, sự kiện được lưu vào lịch sử châu lục với tên gọi “Bogotazo”.
Qua những trải nghiệm đó, Fidel tin tưởng rằng con đường duy nhất để đánh bại nền độc tài tại Cuba và mang lại độc lập tự chủ cho đất nước mình là cuộc đấu tranh tích cực và dứt khoát. Cuộc tấn công đầy can đảm của ông và những đồng đội trẻ tuổi cùng chung lý tưởng cách mạng vào Trại lính Moncada – trong đó ông là người chỉ huy và là người rút lui cuối cùng trước làn đạn của kẻ thù vượt trội về quân lực và vũ khí - là một thất bại về mặt quân sự. Nó kết thúc bằng các vụ bắt giữ, tra tấn và sát hại phần lớn các chiến sĩ còn non trẻ về kinh nghiệm, nhưng đã làm thức tỉnh tinh thần đấu tranh phản kháng trong xã hội Cuba. Sự kiện khiến cho chế độ độc tài không thể thực hiện âm mưu hành quyết ngoài tòa án đối với ông và các đồng đội còn lại mà phải tiến hành xét xử với án phạt 15 năm tù giam.
Khi được trao cơ hội tự biện hộ trong phiên tòa này, Fidel đã có một bài hùng biện bao quát toàn bộ những vấn đề to lớn cần giải quyết của xã hội Cuba khi đó, từ đất đai cho tới công nghiệp hóa, nhà ở, nạn thất nghiệp, và tình trạng tồi tệ của các ngành giáo dục và y tế, và kết thúc với câu nói lịch sử: “Về phần mình, tôi biết rằng một án tù đầy nặng nề hơn bất cứ ai đang chờ đợi, sẽ có đầy rẫy những lời hăm dọa, các thủ đoạn hành hạ, tra tấn đầy hèn hạ, nhưng tôi không sợ hãi, cũng như tôi không sợ hãi tên độc tài đáng khinh đã cướp đi sinh mạng của 70 anh em đồng đội của tôi. Các vị hãy kết án tôi đi, điều đó chẳng có gì quan trọng, lịch sử sẽ xóa án cho tôi”.
Được ân xá sau 22 tháng tù giam, Fidel kiên quyết tiếp tục con đường đấu tranh và ngày 25/11/1956 – đúng 6 thập kỷ trước ngày ông ra đi mãi mãi – ông cùng 81 đồng đội đã rời Mexico trên con tàu Granma trở về Cuba chiến đấu.
Nhưng vận mệnh vẫn không ngừng thử thách ông, khi những điều kiện khách quan bất lợi khiến cho cuộc đổ bộ không được tiến hành theo đúng kế hoạch, ông và đồng đội đã chịu những tổn thất lớn về người và vũ khí, buộc phải tái tập hợp tại Sierra Maestra (Rặng Núi Thầy) để bắt đầu một cuộc chiến tranh du kích đầy gian khổ, kết hợp với việc kêu gọi nhân dân nổi dậy, để đánh bại một quân đội có 70.000 lính được thế lực ngoại bang trang bị vũ khí hiện đại hơn nhiều lần.
Sau khi giải phóng đất nước thành công, Fidel và Cuba cách mạng vẫn phải đấu tranh không ngừng nghỉ chống lại tình trạng lạc hậu, dịch bệnh, “giặc dốt”, các âm mưu phá hoại, ám sát, những mưu đồ cô lập chính trị trên trường quốc tế, và đặc biệt là cuộc bao vây cấm vận kinh tế - thương mại ngặt nghèo và phi lý, có thời gian dài nhất được ghi nhận trong lịch sử nhân loại.
Không chỉ vượt qua những rào cản to lớn cho quá trình đất nước đó, Cuba còn không ngừng tạo ra những kỳ tích về phát triển con người, những thành tựu vang dội về giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học và thể thao được cả thế giới công nhận và kính nể. Hơn thế nữa, Cuba còn hào hiệp trợ giúp nhiều dân tộc bị áp bức can đảm đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình, trong đó có nhân dân ta; với Fidel là hiện thân rõ ràng nhất khi những câu nói hào hùng của ông luôn đi đôi với những hành động thiết thực.
Khi tình trạng sức khỏe không còn cho phép, Fidel đã chủ động rút lui khỏi các cương vị lãnh đạo của Nhà nước và Đảng, nhưng ngay cả khi ấy, ông vẫn không ngừng đấu tranh. Chuyển từ “quyền lực thứ nhất” sang “quyền lực thứ tư”, như cách ví von của chính ông, Fidel đã cống hiến tới những thời khắc cuối cùng cho cuộc đấu tranh mà ông cho là quan trọng và lâu dài nhất, cuộc đấu tranh về tư tưởng, với những dòng chia sẻ, nhận định, bình luận và dự báo sâu sắc trong chuyến mục “Suy ngẫm của Fidel” trên nhật báo Granma.
Suy nghĩ vượt thời đại
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển tại Rio de Janeiro năm 1992, sự kiện có sự góp mặt của 116 nguyên thủ quốc gia – con số kỷ lục cho tới thời điểm đó của một sự kiện quốc tế, sự xuất hiện của Fidel đã được chào đón nhiệt liệt với những tràng vỗ tay vang vọng kéo dài khi ông được nhìn nhận như đại biểu cho thế giới thứ ba, theo tường thuật của báo chí quốc tế thời điểm đó.
Chỉ trong vòng chưa đầy 5 phút, nhiều nhận định có tính cảnh báo cao mà ông đưa ra khi đó không chỉ gây ấn tượng cho các thính giả trong khán phòng khi đó, mà hơn 20 năm sau, khi những hiểm họa về môi trường bộc lộ rõ hơn và ngày càng có nhiều nghi ngại cho sự tồn vong của nhân loại trong tương lai, người ta lại càng thán phục về tính khái quát và chính xác của chúng, như: “Một loài sinh vật đang có nguy cơ biến mất do sự hủy hoại nhanh và liên tục các điều kiện sống tự nhiên của nó: đó là con người. Giờ đây chúng ta phải ý thức được vấn đề này khi mà đã gần như là quá muộn để ngăn chặn nó”, hay “Những kẻ hùng mạnh nói về việc phân chia thế giới, còn những nước nhỏ và nghèo chúng ta chỉ đang cố tìm cách sống sót trong những thập kỷ tới, khi mà chúng là những hải đảo chỉ cao hơn vài ba mét so với mực nước biển, chúng ta tự hỏi rằng điều gì sẽ xảy ra nếu nước biển dâng và liệu chúng ta có thể ứng phó nổi nạn hạn hán, các cơn bão và các thảm họa khí hậu khác đang chờ đợi mình”.
Tầm nhìn thấu triệt và hiếm có trong thời đại đó của Fidel, như từng được thể hiện ngay trong bài hùng biện tự bào chữa ngày nào khi ông mới 27 tuổi, không chỉ dừng ở những lời nói và nhận định tinh tường, mà còn được ông vận dụng vào thực tiễn và không ít lần trực tiếp tạo ra những kỳ tích phát triển cho đất nước Cuba cách mạng.
Khi đại dịch COVID-19 đang làm đảo lộn cả thế giới, ngành y tế và dược phẩm Cuba một lần nữa chứng minh được khả năng ưu việt của mình. Đầu tiên là việc điều chế thuốc điều trị cho người nhiễm virus SARS-CoV-2 với interferon tái tổ hợp có nguồn gốc từ người, và tiếp đó là việc tự phát triển và sản xuất thành công 2 vaccine COVID-19 (cùng 2 ứng viên vaccine khác) bất chấp những hạn chế to lớn về nguồn lực. Cùng với chiến lược đẩy mạnh tiêm chủng sớm nhất có thể, Cuba đang bước đầu kiểm soát được bệnh dịch, như tuyên bố chính thức được đưa ra 2 ngày trước khi “hòn đảo tự do” này chuyển sang trạng thái bình thường mới vào ngày 15/11 vừa qua.
Ít người biết rằng, Fidel chính là người đã đưa ra chỉ đạo trực tiếp mang tính bước ngoặt cho ngành dược phẩm và công nghệ sinh học Cuba sau cuộc gặp năm 1981 với bác sĩ người Mỹ Randolph Lee Clark, người khi đó đã đề cập tới một hình thức điều trị ung thư tân tiến bằng interferon mà bệnh viện ông điều hành, nằm tại bang Texas, đang triển khai thử nghiệm.
Lãnh tụ cách mạng Cuba đã quyết định cử những nhà khoa học đầu tiên của Cuba làm quen, học hỏi công nghệ interferon, đầu tiên là tại bệnh viện tại Texas nói trên, và sau đó tại phòng thí nghiệm tại Helsinki, nơi điều chế và cung cấp interferon cho cơ sở y tế tại Mỹ.
Sau khi trở về Cuba, chỉ sau một thời gian ngắn, nhóm nhà khoa học này đã tự điều chế được sản phẩm interferon đầu tiên và từ đó, mở rộng nghiên cứu và vào năm 1986 đã lần đầu tiên sản xuất được Interferón alfa-2B nguồn gốc người tái tổ hợp.
Cũng trong năm 1981 và từ cơ sở thí nghiệm Interferón, Cuba đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Sinh học và 5 năm sau, cùng thời điểm sản xuất thành công Interferón alfa-2B, Cuba đã nâng cấp cơ sở này thành Trung tâm Di truyền học và Công nghệ sinh học, với những mục tiêu tham vọng hơn nhiều về mặt khoa học.
Chính Fidel đã coi sản phẩm này như cột trụ cho một ngành khoa học – công nghiệp mới, từ đó thúc đẩy việc sản xuất theo quy trình tự nhiên và tạo ra nền tảng cho sự phát triển rực rỡ ngành dược và di truyền học của Cuba, mà ngày nay đã xuất khẩu sản phẩm tới hơn 50 nước, sở hữu 1.800 bằng sáng chế ngoài lãnh thổ Cuba và tạo nguồn thu hàng năm vượt ngưỡng 2 tỷ USD, chưa kể những đóng góp to lớn cho hệ thống y tế miễn phí và toàn dân của Cuba. Rõ ràng, thành công này không phải là do may mắn, và đây cũng không là lần duy nhất Fidel thể hiện được những suy nghĩ vượt thời đại của mình.
Ước nguyện cuối cùng lúc sinh thời của Fidel rằng sau khi ông mất, không có tượng đài, phù điêu hay công trình công cộng nào làm theo chân dung ông, và không một đường phố, công viên, trường học, bệnh viện hay bất cứ trung tâm, cơ sở nào mang tên ông. Nhà nước Cuba đã hoàn thành tâm nguyện đó qua một đạo luật, với một ngoại lệ duy nhất là Trung tâm Fidel (Hội đồng Nhà nước Cuba phải ra một sắc luật đặc biệt về việc thành lập cơ sở này), nơi thu thập, lưu giữ và nghiên cứu về những di sản khổng lồ mà ông để lại.
Cũng để tôn trọng mong muốn đó, mộ chí của ông chỉ là một tảng đá hoa cương lấy từ Rặng Núi Thầy, cơ sở du kích khi xưa, và được bào tròn theo hình dáng của một hạt ngô, với cảm hứng từ một câu nói nổi tiếng của José Martí: “Tất cả vinh quang trên thế giới chứa đủ trong một hạt ngô”.
Nơi cất giữ tro cốt đó của Fidel được đặt giữa những ngôi mộ của các chiến sĩ đồng đội của ông từng ngã xuống trong cuộc chiến giành lại độc lập tự chủ thực sự cho đất nước, với một biển đồng duy nhất đề chữ “FIDEL”, mà không được khắc thêm bất kỳ dòng chữ nào mô tả sự nghiệp vĩ đại hay ghi lại một trong những câu nói bất hủ hay tư tưởng của ông. Đơn giản vì chúng đã được khắc sâu trong tâm trí của những người con Cuba ưu tú, và của cả những con người theo đuổi tự do chân chính trên khắp thế giới.