Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro Ruz đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 22 giờ 29 phút ngày 25/11/2016 (giờ Cuba), nhưng từ rất rất lâu trước thời khắc đáng buồn ấy, tên tuổi của ông đã có chỗ đứng vững chắc trong trang vàng của lịch sử nhân loại.
Lãnh tụ Fidel Castro tại phiên họp Quốc hội lần thứ 6 ở La Habana ngày 22/12/2005. AFP/TTXVN |
Nổi bật, lôi cuốn qua những tư tưởng và hành động cách mạng, trở thành huyền thoại và bất tử với những đóng góp cho sự tiến bộ của con người tại Cuba và trên thế giới, Fidel – như cách gọi thân mật phổ thông mà toàn thể nhân dân Cuba và những người theo đuổi tư tưởng cách mạng trên thế giới dành cho ông – đứng trong hàng ngũ ít ỏi những vĩ nhân thế giới đã cải biến tiến trình lịch sử và “cùng với mọi người và vì quyền lợi của mọi người” biến thành hiện thực giấc mơ, khát vọng của cả một dân tộc về tự do, phẩm giá, bình đẳng và quyền tự quyết vận mệnh của chính mình.
Tổng tư lệnh của Cách mạng Cuba đã ra đi một cách tự nhiên và yên bình sau một sự nghiệp đồ sộ và sáng chói, bất chấp hơn 600 âm mưu ám sát của những kẻ thù dai dẳng và hùng mạnh nhắm vào ông, để lại một đất nước Cuba là tấm gương trên thế giới về một hệ thống chính trị - xã hội đầy nhân văn và bình đẳng; về tinh thần cách mạng quật cường trong bảo vệ độc lập, tự chủ dân tộc; về chủ nghĩa quốc tế vô tư, trong sáng và tấm lòng hào hiệp với bè bạn bất chấp không ít những khó khăn, thiếu thốn của riêng mình.
Lãnh tụ Fidel Castro (trái) và Chủ tịch Raul Castro tại một hội nghị ở La Habana (Cuba) ngày 23/12/2003. AFP/TTXVN |
Dưới sự dẫn dắt của ông, một dân tộc Cuba nhỏ bé về tầm vóc kinh tế - địa lý đã phát huy được những phẩm chất tốt đẹp nhất của mình thành chính sách nhất quán của Nhà nước cách mạng để trở thành ngọn hải đăng cho các phong trào tiến bộ tại Mỹ Latinh cũng như trên thế giới, một biểu tượng của các giá trị nhân văn đối lập và ngay sát cạnh đế chế hùng cường nhất trong lịch sử nhân loại, từng thất bại trong âm mưu lật đổ Cách mạng Cuba sau hơn nửa thế kỷ tiến hành mọi loại hình thức chiến tranh quân sự - kinh tế quy ước và không quy ước.
Thật khó để nói, dù chỉ là tóm tắt, về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Fidel: đó là sự giải phóng các dân tộc khỏi ách áp bức tư bản; là quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội; là quyết tâm biến giấc mơ chính đáng của con người thành hiện thực; là chủ nghĩa Mácxít Mỹ Latinh; là tinh thần quốc tế chủ nghĩa và đấu tranh vì lợi ích của toàn nhân loại; là việc đưa giáo dục, y tế, thể thao và văn hóa thành những yếu tố trọng tâm trong phát triển con người và xây dựng xã hội công bằng, bình đẳng; là đề cao các giá trị nhân văn và đạo đức cách mạng trong quá trình hình thành con người trong xã hội mới v.v…
Fidel Castro (giữa) tại Harlem, New York (Mỹ) ngày 20/9/1960. AP/TTXVN |
Các học giả sẽ còn phải dành nhiều năm nữa để tiếp tục nghiên cứu và đúc rút các bài học từ những di sản cả về lý thuyết lẫn thực tiễn của ông. Nhưng vượt ra ngoài thế giới hàn lâm ấy, Fidel đã trở thành một văn hóa, một tập quán phổ thông vì ông đã góp phần thay đổi vận mệnh lịch sử của Cuba, của Mỹ Latinh và thế giới; bảo vệ những người bị áp bức và gieo mầm hi vọng trong hàng triệu con người.
Những giấc mơ còn dang dở của Nhà giải phóng châu Mỹ Simón Bolivar và Anh hùng dân tộc Cuba José Martí đã tìm thấy ở Fidel Castro người thực hành tối ưu và kiên trung nhất. Martí từng nói “Tổ quốc là nhân loại”, và công cuộc tái thiết xã hội kể từ khi Cách mạng Cuba thắng lợi năm 1959 chính là sự vận dụng sáng tạo những cơ sở lý luận mà Người thầy về tư tưởng giải phóng dân tộc ấy để lại. Trong khi đó, tình đoàn kết và sự hội nhập Mỹ Latinh mà Simón Bolivar hằng mơ ước đã được Fidel và Đảng Cộng sản Cuba phát triển thành một trong những mục tiêu chính của cách mạng và Cuba đã trở thành điểm tựa và nguồn cảm hứng cho các phong trào tiến bộ và thúc đẩy hội nhập nội bộ khu vực có cùng nguồn gốc lịch sử - văn hóa này, thay thế cho các mối quan hệ thường mang tính phụ thuộc với các cường quốc trước đây.
Khối lượng tác phẩm đồ sộ cả trong và ngoài nước nói về Fidel mang đủ mọi thể loại, đề tài, hình thức và sắc thái, từ tư tưởng cách mạng, tầm nhìn vĩ mô vượt thời đại, chủ nghĩa anh hùng, trí tuệ sắc sảo, uyên thâm cho tới những giai thoại thể hiện sự gần gũi, bình dị, sẵn sàng sẻ chia với mọi tầng lớp nhân dân hay tấm lòng bao dung, mã thượng luôn bảo vệ những người yếm thế. Người ta đã, đang và sẽ nói mọi điều về Fidel. Kẻ thù bôi nhọ ông chính vì nỗi sợ hãi sâu sắc đối với sức truyền cảm mãnh liệt của người chiến sĩ cộng sản ấy; còn các dân tộc tự do trên thế giới công nhận và tôn vinh ông trong vai trò lãnh tụ cách mạng, người dũng cảm từ bỏ con đường dễ dàng của một gia đình giầu có trong một xã hội tư bản để theo đuổi hoài bão cao đẹp nhưng cũng đầy hiểm nguy về công bằng xã hội và những quyền lợi chính đáng của mỗi con người và cả dân tộc; bằng vào niềm tin, trí tuệ và nhận thức cách mạng của mình thách thức không chỉ các thế lực mạnh mẽ gấp nhiều lần về vật chất mà cả các thành lũy tư tưởng tư bản chủ nghĩa đã ăn sâu vào xã hội Cuba cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác.
Fidel Castro tại sân bay Montevideo, Uruguay ngày 12/10/1995. AFP/TTXVN |
Đó là người có khả năng làm rung động hàng triệu con tim ngay buổi đầu cách mạng với bài hùng biện tự bào chữa trước tòa án của chế độ độc tài thân Mỹ với lời kết luận đanh thép “lịch sử sẽ phán xét tôi vô tội”, sau thất bại trong cuộc tấn công táo bạo vào Trại lính Moncada ngày 26/7/1953; đồng thời cũng là người tới hơi thở cuối cùng luôn kiên cường giữ vững ngọn lửa cách mạng như lời tuyên bố ngắn gọn, dứt khoát – vào thời điểm ông cùng 300 chiến sĩ của mình bị hơn 10.000 binh lính của độc tài Batista bao vây trên rặng Núi Thầy (Sierra Maestra): “Ở đây, không ai đầu hàng cả!”.
Dù cách nửa vòng trái đất xa xôi, nhưng Fidel luôn là một hình ảnh thân thương, gần gũi với người dân Việt Nam. Ở chiều ngược lại, ông cũng luôn thể hiện cả lòng kính trọng, khâm phục lẫn tình cảm thân thiết, anh em với nhân dân ta, như qua câu nói bất hủ: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” hay việc trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên vượt vĩ tuyến 17, thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973.
Khi đang thực bài viết này, tác giả nhận được tin nhắn từ một người bạn vong niên và đồng nghiệp Cuba: “bạn thân mến, Fidel, người luôn tiên liệu trước mọi việc, đã chọn tiếp đón Chủ tịch nước Việt Nam là vị khách cuối cùng trong đời. Còn gì biểu tượng hơn thế!” (Chủ tịch nước Trần Đại Quang được ghi nhận là vị khách quốc tế cuối cùng thăm lãnh tụ Fidel Castro, ngày 16/11/2016).
Fidel là như vậy, luôn biết cách đi thẳng vào lịch sử và vào trái tim mỗi người. Và dù đã ra đi về thể xác thì vị Tổng tư lệnh kính yêu, lãnh tụ lịch sử và chiến sĩ cách mạng kiên trung ấy sẽ sống mãi trong lịch sử nhân loại và cũng như trong trái tim của mỗi con người yêu chuộng công bằng và tiến bộ tại Cuba, Việt Nam và khắp nơi trên thế giới.