Fitch thừa nhận việc đạt được thỏa thuận là một diễn biến tích cực, trong khi thâm hụt ngân sách giảm ở mức khiêm tốn trong hai năm tới. Tuy nhiên, Fitch cho rằng những bất đồng liên tục về trần nợ và việc đình chỉ áp dụng trần nợ vào phút chót, khi Bộ Tài chính Mỹ tiến gần đến kịch bản mất khả năng thực hiện tất cả các nghĩa vụ tài chính đã làm giảm lòng tin vào năng lực quản trị về các vấn đề tài khóa và nợ của Mỹ.
Theo nội dung thỏa thuận, hai bên nhất trí đình chỉ áp dụng trần nợ đến hết ngày 1/1/2025, cho phép ông Biden và Quốc hội gạt những rủi ro chính trị sang một bên cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2024.
Ngoài ra, hai bên nhất trí sẽ hạn chế chi tiêu ngân sách tài khóa 2024 và 2025 (bắt đầu từ ngày 1/7 năm trước tới ngày 30/6 năm sau), trong khi tăng chi cho quốc phòng.
Hai bên cũng yêu cầu thu hồi quỹ COVID-19 chưa sử dụng, đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong phát biểu vào ngày 2/6 tại Phòng Bầu dục cho rằng thỏa thuận về trần nợ mà Quốc hội vừa phê chuẩn đã cứu nước Mỹ khỏi sự "sụp đổ về kinh tế".
Ông Biden nói thỏa thuận đã giải quyết được bất đồng giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, cho thấy sự nhượng bộ của hai bên. Nước Mỹ đã tránh được một cuộc khủng hoảng và sự sụp đổ về kinh tế. Ông cho biết sẽ ký ban hành luật vào ngày 3/6, cho phép Chính phủ tiếp tục đi vay.
Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo nếu kịch bản Mỹ vỡ nợ có thể khiến các thị trường hoảng loạn, nhiều việc làm bị mất và nền kinh tế rơi vào suy thoái, với những tác động trên toàn cầu. Theo ông Biden, đó là một thảm họa. Ông nói Quốc hội đã bảo vệ được uy tín của nước Mỹ.
Nhưng dù các bên đã gạt bỏ được những bất đồng để cuối cùng đạt được một thỏa thuận, danh tiếng của nền kinh tế Mỹ vẫn bị ảnh hưởng.