Trong tuyên bố, G20 nêu rõ: "Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng mọi công cụ chính sách sẵn có để bảo vệ cuộc sống, công việc và thu nhập của người dân. Một kế hoạch hành động sẽ được đưa ra tại hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 vào tháng 10/2020 và tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 vào tháng 11/2020".
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, tại cuộc họp trên, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat cho biết Singapore là nước ủng hộ rất sớm sáng kiến Cơ sở Tiếp cận vaccine COVID-19 toàn cầu (Cơ sở COVAX) và hiện cùng với Thụy Sĩ đang đồng chủ trì Sáng kiến Những người bạn của Cơ sở COVAX nhằm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương về vaccine. Singapore cũng là một trong những nước đầu tiên bày tỏ quan tâm tham gia Cơ sở COVAX vào tháng 6 vừa qua.
Ông Heng nhấn mạnh dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng toàn cầu và do vậy hợp tác quốc tế là rất quan trọng. Nhóm G20 (đóng góp gần 80% kinh tế toàn cầu) và WHO có vai trò chủ chốt trong vấn đề này. Ông Heng cũng cho rằng khi khởi động lại nền kinh tế một cách an toàn, các quốc gia cần phải có sự phối hợp trong việc nối lại các hoạt động. Theo ông Heng, đối với việc khởi động lại du lịch bằng đường không thì vấn đề xét nghiệm sẽ là chủ chốt để bảo đảm an toàn cho du khách và các cơ quan y tế công cộng. Ông Heng kêu gọi việc phối hợp giữa các quốc gia để phát triển các tiêu chuẩn quốc tế và chia sẻ kết quả xét nghiệm một cách nhanh chóng, kể cả thông qua các phương tiện điện tử.
Kế hoạch hỗ trợ tài chính COVAX cho phép tiếp cận nhanh chóng và công bằng đối với vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 cho 76 nước tham gia, cùng với 92 quốc gia kém phát triển hơn được hỗ trợ bởi kế hoạch này. Kế hoạch tài chính này được Liên minh Vaccine quốc tế Gavi, WHO và Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng về Dịch bệnh, đồng dẫn dắt. Thông qua việc phối hợp với các nhà sản xuất vaccine đa quốc gia và các nước đang phát triển, Cơ sở COVAX có mục tiêu cung cấp khoảng 2 tỷ liều vaccine hiệu quả, an toàn đã được chấp thuận hoặc chứng nhận ban đầu từ WHO vào cuối năm 2021.
Cuộc họp Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Tài chính G20 diễn ra sau khi một nghiên cứu do tổ chức Oxfam công bố cho thấy nhóm các quốc gia phát triển giàu có chỉ chiếm 13% dân số thế giới nhưng đã đặt mua hơn một nửa số lượng vaccine phòng COVID-19 tiềm năng. Các ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã tăng lên hơn 30,3 triệu ca, trong đó hơn 950.000 ca tử vong và chưa có dấu hiệu giảm.
Trong khi đó, Italy đang tích cực tiến hành các thử nghiệm lâm sàng về thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Theo Viện Y tế quốc gia Italy (ISS), hiện có tổng cộng 63 nghiên cứu với sự tham gia của 17.565 người, trong đó 92% được thực hiện với mục đích chữa bệnh và 8% còn lại là mục đích phòng ngừa.
ISS cho biết 45 trong số 63 nghiên cứu lâm sàng trên đã được Cơ quan Dược phẩm Italy (AIFA) cấp phép và 4 nghiên cứu gần đây nhất được cấp phép vào ngày 2/9 vừa qua. ISS cũng nhắc lại việc Italy đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine của nước này có thể phòng COVID-19 nhằm kiểm tra tính an toàn và khả năng miễn dịch ở người. Kết quả của giai đoạn nghiên cứu này dự kiến sẽ được công bố vào tháng 7/2021.
Bộ Y tế Italy ngày 17/9 thông báo nước này ghi nhận thêm 1.585 ca mắc COVID-19 và 13 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong ở nước này lên lần lượt là 293.025 ca và 35.658 ca.