Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) trong cuộc gặp bên lề Hội nghị. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama trước giờ khai mạc hội nghị, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chủ trì hội nghị tuyên bố G-20 năm nay sẽ phát đi một thông điệp mạnh mẽ phản đối chủ nghĩa khủng bố.
Ông Erdogan nhấn mạnh: "Tôi tin rằng lập trường chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế của chúng ta sẽ được khẳng định trong một thông điệp mạnh mẽ tại G-20". Ông Erdogan cho rằng G-20 "cần dẫn dắt một cuộc chiến quốc tế trong khuôn khổ một liên minh chống những hành động khủng bố tập thể".
Về phần mình, Tổng thống Obama lên án vụ tấn công ở Paris cũng như vụ đánh bom liều chết ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước, coi đây là các vụ tấn công vào "thế giới văn minh", đồng thời cam kết "tăng gấp đôi các nỗ lực" nhằm xóa bỏ mạng lưới Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Ông Obama cũng bày tỏ "đoàn kết với Pháp trong việc truy lùng các thủ phạm gây ra tội ác này và đưa chúng ra công lý".
Cũng đề cập cuộc chiến chống khủng bố, phát biểu tại cuộc họp không chính thức lãnh đạo Nhóm các quốc gia mới nổi (BRICS) bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng chỉ có thể đối phó hiệu quả với mối đe dọa khủng bố và trợ giúp người tị nạn bằng cách đoàn kết nỗ lực của toàn thể cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, Tổng thống Putin nhấn mạnh việc thống nhất các nỗ lực quốc tế đối phó với mối đe dọa khủng bố phải được thực hiện theo đúng Hiến chương Liên hợp quốc, dựa trên các chuẩn mực quốc tế và tôn trọng các quyền chủ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi quốc gia.
Cũng phát biểu tại Thổ Nhĩ Kỳ trước thềm hội nghị G-20, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho rằng cần đưa vấn đề hợp tác chống khủng bố vào chương trình nghị sự của hội nghị G-20 lần này, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hợp tác nhằm đưa ra một giải pháp chính trị cho Syria.
Phóng viên TTXVN tại Sydney dẫn phát biểu của Thủ tướngTurnbull nhấn mạnh: “Thế giới cần có một sự đối phó mang tính tập thể, hỗ trợ lẫn nhau vì cùng một mục đích chung là chống lại và đánh bại chủ nghĩa khủng bố. Vấn đề này nên là một trong những chủ đề chính của Hội nghị G20”.
Theo Thủ tướng Australia, về lâu dài cần phải giúp Syria ổn định bởi chỉ có sự ổn định mới khiến hàng triệu người di cư hiện nay trở về nhà của họ và điều này phụ thuộc vào một giải pháp chính trị.
Các nguồn tin cho biết Hội nghị sẽ đưa ra một tuyên bố về chống chủ nghĩa khủng bố vào cuối ngày 15/11.
Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các nhà lãnh đạo G-20 sẽ bàn thảo những vấn đề kinh tế then chốt, trong đó có tăng trưởng, việc làm và đầu tư, cũng như quy định về tài chính. Dư luận quốc tế đang trông đợi lãnh đạo của các nền kinh tế có nhiều ảnh hưởng nhất thế giới này sẽ đạt được những thỏa thuận bền vững nhằm hoàn thành sứ mệnh của G-20 trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững và mạnh mẽ trên khắp toàn cầu.
Các thành viên của G-20 gồm Argentina, Australia, Brazil, Anh, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).