Tại hội nghị một ngày này, các ngoại trưởng tập trung thảo luận về cách thức tăng cường hợp tác trong một loạt các vấn đề như y tế toàn cầu, tình trạng khẩn cấp về khí hậu và thương mại quốc tế. Trong số các quan chức có mặt tại Matera có các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức và Ấn Độ. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Brazil và Australia theo dõi các cuộc thảo luận trực tuyến. Nga và Hàn Quốc cử các thứ trưởng ngoại giao tới tham dự.
Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio nêu rõ: "Đại dịch đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có cách thức ứng phó mang tính quốc tế với các tình huống khẩn cấp vượt ra ngoài biên giới quốc gia". Ngoài ra, Italy - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của G20 - cho biết sẽ dành sự quan tâm đặc biệt cho châu Phi, trong đó chú trọng đến sự phát triển bền vững.
Trước thềm hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tái khẳng định tầm quan trọng của việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo hơn. Ông nhấn mạnh: "Để chấm dứt đại dịch, chúng ta phải đảm bảo cung cấp vaccine nhiều nơi hơn (trên thế giới)". Theo ông, cuộc khủng hoảng y tế mà dịch COVID-19 gây ra đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế trên toàn thế giới và G20 sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước thu nhập thấp giải quyết gánh nặng nợ.
Trên cương vị Chủ tịch G20, chương trình nghị sự của Italy dựa trên 3 trụ cột hành động "Con người, hành tinh và thịnh vượng". Do đó, một phản ứng mang tính quốc tế đối với đại dịch, phục hồi nhanh chóng nền kinh tế thế giới dựa trên nhu cầu của người dân, những người dễ bị tổn thương nhất và phát triển bền vững để bảo vệ sự ổn định khí hậu là những mục tiêu mà Rome hướng tới.
Các nước G20 chiếm hơn 80% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, 75% kim ngạch thương mại toàn cầu và 60% dân số thế giới.