Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nói riêng và châu Âu nói chung đang chao đảo vì khủng hoảng nợ công, có nguy cơ đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái mới. Trong bối cảnh đó, dư luận kỳ vọng, với sự góp mặt của các “đại gia” hàng đầu thế giới, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) diễn ra trong hai ngày 3-4/11 tại thành phố Cannes (Pháp) sẽ đạt được những thỏa thuận chung để đẩy lùi nguy cơ này.
Giải cứu Eurozone - nhiệm vụ cấp bách
Một trong những nội dung chính tại hội nghị này là giải cứu Eurozone. Các nhà lãnh đạo G-20 nhóm họp chỉ một tuần sau khi Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) thông qua gói giải pháp, được coi là “đáng hoan nghênh” cho vấn đề nợ công. Theo đó, sẽ xóa 50% nợ cho Hy Lạp, tăng tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu tại các ngân hàng lên 9% và mở rộng Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) lên mức 1.000 tỷ euro. Như vậy, việc giải cứu Eurozone sẽ được thực hiện bằng cách tăng vốn cho EFSF. Các nền kinh tế hàng đầu châu Âu như Đức, Pháp không muốn phải bỏ quá nhiều tiền túi đầu tư vào EFSF, mà muốn có sự chia sẻ của cộng đồng quốc tế với hy vọng có đủ tiềm lực tài chính để giải quyết triệt để vấn đề khủng hoảng nợ châu Âu, ổn định thị trường tài chính toàn cầu, đưa nền kinh tế thế giới trở lại quỹ đạo phục hồi. Vì vậy, trước thềm G- 20, các quan chức EU liên tục thực hiện các chuyến ngoại giao con thoi đến châu Á và các nền kinh tế mới nổi để vận động cho EFSF.
Cung điện Festival de Cannes, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G-20. Ảnh: Internet |
Cuối tuần qua, Chủ tịch EFSF Klaus Regling đã thăm Trung Quốc, sau đó tới Nhật Bản. Ngoài ra, EU còn có kế hoạch cử đoàn sang Braxin với cùng một mục đích là thuyết phục các nền kinh tế lớn của thế giới tiếp tục mua trái phiếu EFSF. Dự kiến, 40% trái phiếu EFSF sẽ được bán cho các nhà đầu tư châu Á và 60% còn lại hướng tới đối tượng là các nhà đầu tư ngoài châu Á.
Trong khi đó, hiện nay mới chỉ có Nhật Bản và Nga tuyên bố sẵn sàng mua trái phiếu của EFSF. Trung Quốc, nước có dự trữ ngoại tệ hơn 3.000 tỷ USD, được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của châu Âu - đối tác thương mại lớn nhất của nước này, vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức. Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Zhu Guanyao cho biết, Bắc Kinh sẽ không đề cập đến vấn đề đầu tư vào quĩ EFSF tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 lần này. Song theo các nhà phân tích, Trung Quốc sẽ “không tiếc tay” rót tiền cho châu Âu, nếu EU công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, đồng thời dỡ bỏ hạn chế về xuất khẩu công nghệ cao mới đối với Trung Quốc.
Tăng trưởng bền vững - mục tiêu cốt lõi
Bên cạnh vấn đề trọng tâm là giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone, giới lãnh đạo G-20 cũng đặc biệt lưu ý đến vấn đề tăng trưởng bền vững. Kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng như các nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, trong khi triển vọng của các nền kinh tế phát triển không mấy khả quan, các nền kinh tế mới nổi đối mặt với tình trạng lạm phát cao, giá hàng hóa cơ bản biến động mạnh.
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay của Mỹ từ mức 2,6% xuống 1,7% và từ 3,1% xuống 1,8% trong năm 2012. Với Eurozone, dự báo tăng trưởng năm 2011 giảm còn 1,6%, so với mức dự đoán 2% hồi tháng 5 và từ 2% xuống 0,3% trong năm 2012. Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC, tốc độ tăng trưởng quý II năm nay của các nền kinh tế mới nổi đã trượt xuống mức thấp nhất trong hai năm lại đây. HSBC cho rằng, các nền kinh tế mới nổi sẽ phải tiếp tục chịu áp lực từ các nhân tố rủi ro như nhu cầu trong nước giảm xuống, lạm phát tăng cao, giá tài sản tụt dốc...
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Zhu Guanyao cho rằng, Hội nghị G-20 ở Cannes cần phải tập trung vào những vấn đề cốt lõi như kích thích tăng trưởng và duy trì sự ổn định.
Ngoài nợ công ở châu Âu và tăng trưởng bền vững, các nhà lãnh đạo G-20 còn đề cập tới một số vấn đề kinh tế quan trọng khác như lương và thưởng của ngành ngân hàng, tình trạng trốn thuế, thiết lập thuế giao dịch tài chính và cải cách hệ thống tài chính quốc tế, về tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc, vốn bị nhiều nước cáo buộc định giá quá thấp, là nguyên nhân chính gây nên sự mất cân bằng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như châu Âu.
Bên cạnh đó, với tư cách Chủ tịch luân phiên của G-20, Pháp còn đưa vấn đề kiểm soát giá nguyên liệu thô và giá hàng hóa cơ bản vào chương trình nghị sự.
Chiếm 85% tổng lượng kinh tế toàn cầu, ngay từ khi thành lập, G-20 đã gánh vác trọng trách tìm kiếm con đường tăng trưởng bền vững và cân bằng. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đứng trước hàng loạt thử thách như hiện nay, theo nhiều chuyên gia, G-20 cần có cái nhìn vượt qua khủng hoảng, tìm ra liều thuốc bảo đảm tăng trưởng bền vững dài hạn. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến hoạt động của G-20, Giáo sư John Kirton cho rằng tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo G-20 cần tìm được tiếng nói chung đối với các vấn đề đặt ra cũng như những giải pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ xuất hiện cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu mới. Hy vọng sau hội nghị này, chúng ta sẽ được thấy sự bắt tay hợp tác giữa các nước, tạo thành một khối thống nhất để đưa nền kinh tế thế giới trở lại quĩ đạo phát triển.
Dương Trí