Trong khuôn khổ năm Chủ tịch G20, Italy đã quyết định ưu tiên vấn đề số hóa dựa trên những thành tựu và cam kết của các nhiệm kỳ Chủ tịch trước, đồng thời ghi nhận tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế, việc làm và phúc lợi xã hội.
Theo phóng viên TTXVN tại Italy, Bộ trưởng Đổi mới công nghệ và chuyển đổi kỹ thuật số (MITD) nước này, Vittorio Colao sẽ chủ trì phiên họp về “chính phủ điện tử”, tập trung vào những đổi mới trong khi Bộ trưởng Phát triển kinh tế (MiSE) Giancarlo Giorgetti sẽ chủ trì phiên họp chung MITD-MiSE “Kích hoạt chuyển đổi kỹ thuật số”.
Hội nghị này gồm 2 nội dung chính là “Chính phủ điện tử” và “Kinh tế số”. Trong lĩnh vực chính phủ điện tử, hội nghị chủ yếu tập trung vào vai trò của nhận dạng kỹ thuật số như một công cụ cung cấp cho người dân các phương pháp nhận dạng an toàn và quyền truy cập đáng tin cậy vào các dịch vụ kỹ thuật số.
Các giải pháp nhận dạng kỹ thuật số bảo mật và tuân thủ quyền riêng tư tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp một cách liên tục và đáng tin cậy các dịch vụ công và tạo điều kiện cho sự tham gia đầy đủ của mọi người dân trong xã hội. Ngoài ra, Italy đã khuyến khích việc chia sẻ thông tin giữa các nước thành viên bằng cách lập bản đồ các thông lệ tốt nhất, cho thấy cách thức các chính phủ có thể tự chuyển đổi và tận dụng tối đa các công nghệ kỹ thuật số như trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu, để phục vụ tốt hơn cho kinh tế và xã hội. Lực lượng đặc nhiệm kinh tế số G20 cũng tập trung vào vai trò của quy định nhanh trong việc hỗ trợ tăng trưởng và đổi mới trên toàn cầu.
Trong lĩnh vực kinh tế số, các mục tiêu chính của G20 là khai thác hơn nữa tiềm năng của số hóa để hỗ trợ sự phục hồi bền vững, bao trùm và có sức chống đỡ, theo kịp sự chuyển đổi sâu sắc mà tiến trình số hóa đã tạo ra trong nền kinh tế và xã hội, đồng thời thu hẹp bất bình đẳng.
Các chủ đề chính liên quan kinh tế số được thảo luận tại hội nghị bao gồm chuyển đổi kỹ thuật số trong sản xuất để đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững; AI đáng tin cậy để hòa nhập các công ty vừa và nhỏ, đồng thời khuyến khích các công ty khởi nghiệp; đo lường nền kinh tế số; nhận thức và bảo vệ người tiêu dùng và chuỗi khối trong chuỗi giá trị toàn cầu; bảo vệ trẻ em và trao quyền trong môi trường kỹ thuật số; kết nối và hòa nhập xã hội; các thành phố thông minh và đổi mới; luồng dữ liệu miễn phí, đáng tin cậy.
Đối thoại giữa các nước G20 được bắt đầu từ tháng 2 và chia sẻ các ưu tiên của Italy nhằm đảm bảo khả năng ứng phó hiệu quả của cộng đồng quốc tế đối với đại dịch COVID-19. Để đạt được mục tiêu này, Lực lượng đặc nhiệm kinh tế số G20 - do MITD và MiSE đồng chủ trì - đã áp dụng một cách tiếp cận thực dụng để khuyến khích sự học hỏi lẫn nhau giữa các nước thành viên và khách mời, trong khi vẫn công nhận các phương pháp tiếp cận quy chuẩn đa dạng và các giải pháp công nghệ đã được áp dụng.
Tuyên bố của các bộ trưởng kỹ thuật số G20 sẽ được công bố sau khi kết thúc Hội nghị Trieste.