Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp kéo dài 2 ngày tại thành phố Nikko, tỉnh Tochigi của Nhật Bản, các Bộ trưởng Bình đẳng giới G7 cũng nhất trí tiếp tục nỗ lực để hiện thực hóa một xã hội nơi quyền con người và bình đẳng giới được tôn trọng.
Theo các bộ trưởng, công việc chăm sóc và nội trợ - vốn thường mặc định là dành cho phụ nữ - là "những trở ngại lớn" đối với "việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ khi điều này làm suy giảm khả năng làm việc toàn thời gian hay ở các vị trí lãnh đạo của họ". Các bộ trưởng nhấn mạnh công nghệ và thời gian lao động linh hoạt có thể được áp dụng như một cách thức để điều chỉnh tình trạng mất cân bằng này.
Tuyên bố nêu rõ: "Việc phụ nữ tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa vào việc ra quyết định ở tất cả các cấp là vấn đề quyền con người và điều này cũng mang lại lợi ích cho tất cả mọi người bằng cách đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như các kết quả chính trị".
Các bộ trưởng của Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ cùng với Liên minh châu Âu (EU) cũng nhấn mạnh đại dịch COVID-19 là "một trở ngại nghiêm trọng" để đạt được một xã hội bình đẳng giới. Tuyên bố nhấn mạnh: "Chúng tôi tái khẳng định cam kết đẩy nhanh nỗ lực hướng tới sự bình đẳng giới toàn diện và trao quyền hơn nữa cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái".
Đây là lần đầu tiên Nhật Bản tổ chức cuộc họp G7 liên quan đến các vấn đề giới tính, trong bối cảnh Nhật Bản là một trong các nước có tình trạng bất bình đẳng nam nữ cao nhất trong nhóm quốc gia phát triển, thể hiện ở chênh lệch thu nhập và sự hiện diện ít ỏi của nữ giới trong bộ máy lãnh đạo...
Gần đây, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã bắt đầu thúc đẩy việc thu hẹp khoảng cách giới khi chỉ thị các cơ quan bộ ngành của nước này đến năm 2030 tăng tỷ lệ lãnh đạo là nữ giới trong các công ty lớn lên 30% hoặc hơn.
Theo một cuộc khảo sát của văn phòng nội các Nhật Bản, trong năm 2022, phụ nữ chỉ chiếm 11,4% vị trí giám đốc điều hành tại các công ty niêm yết ở nước này, mặc dù con số này đang tăng lên trong những năm gần đây.