Đêm 24/3, nhóm các nước công nghiệp phát triển G-7 đã ra tuyên bố chung đe dọa tăng cường trừng phạt Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine, đồng thời tẩy chay Hội nghị Thượng đỉnh G-8 tại Sochi (Nga) vào tháng 6 tới.
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba tại La Haye (Hà Lan), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chủ trì một hội nghị không chính thức Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-7), gồm Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Italy, Nhật Bản và Canada.
Tham dự hội nghị, ngoài lãnh đạo các nước G-7, còn có Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Herman van Rompuy.
Sau cuộc họp, G-7 ra tuyên bố chung cho biết sẵn sàng tăng cường trừng phạt chống Nga, trong đó bao gồm những biện pháp trừng phạt phối hợp có thể gây tác động nghiêm trọng tới kinh tế Nga nếu Moskva tiếp tục “leo thang”. G-7 cũng kêu gọi Nga khởi động đối thoại với Ukraine và tận dụng trung gian quốc tế.
Ngoài ra, G-7 cũng quyết định hoãn tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G-8 (gồm các nước G-7 và Nga) sắp tới tại Sochi (Nga) cho tới khi Moskva thay đổi đường lối và tạo môi trường phù hợp để G-8 có thể tiến hành “thảo luận một cách có ý nghĩa”.
Đối với Ukraine, G-7 cho biết quốc gia Đông Âu này chỉ nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài, chủ yếu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), một khi đáp ứng mọi yêu cầu của thể chế tài chính vốn do Mỹ nắm giữ cổ phần chi phối này.
Nga coi nhẹ Nga chưa đưa ra phản ứng chính thức trước tuyên bố của nhóm G-7. Tuy nhiên, phát biểu sau cuộc gặp người đồng cấp Mỹ John Kerry cũng tại La Haye, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga không cố gắng duy trì G-8 bằng mọi cách bởi đây là một câu lạc bộ không chính thức, không nước nào có quyền trao vé gia nhập hoặc đuổi bất kỳ nước nào ra khỏi nhóm.
Theo ông Lavrov, G-8 thực chất là một diễn đàn để các quốc gia phương Tây hàng đầu đối thoại với Nga. Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh, G-8 là nơi đã thảo luận các vấn đề nóng như chương trình hạt nhân Iran, an ninh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề Syria, Balkan.
Tuy nhiên, ông Lavrov cũng cho rằng hiện đã tồn tại những khuôn khổ khác để xem xét các vấn đề này, như Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông, P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ là Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) về chương trình hạt nhân Iran.
Ông Lavrov nói: “Nếu các đối tác phương Tây cho rằng G-8 có thể tự loại bỏ mình thì điều đó không thể tránh khỏi. Chúng tôi không cố gắng duy trì G-8 bằng mọi cách. Chúng tôi không thấy vấn đề quá nghiêm trọng nếu G-8 sẽ không họp. Đây có thể là một thử nghiệm trong hơn một năm tới và có thể chờ xem không có G-8 thì sẽ thế nào”.
Hãng tin Itar-Tass của Nga sau đó dẫn tuyên bố của G-7 sau khi kết thúc hội nghị không chính thức tại La Haye cho rằng các nước G-7 không thể khai trừ Nga khỏi G-8 bởi thủ tục này trên thực tế không tồn tại. G-8 được hình thành trên cơ sở giá trị chung và sự hiểu biết về trách nhiệm chung. Chính vì vậy, các nước G-7 chỉ có thể tuyên bố tự đình chỉ tham gia vào nhóm G-8.
Hình ảnh trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và quyền Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya. |
*Cùng ngày 24/3 tại La Haye, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lần đầu tiên có cuộc gặp trực tiếp với quyền Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya. Một thành viên trong đoàn đại biểu Nga tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hạt nhân cho biết cuộc gặp được sắp xếp theo yêu cầu của đoàn đại biểu Ukraine.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết thêm cuộc gặp này là theo chỉ thị của Tổng thống Putin về duy trì tiếp xúc với các đại diện tạm quyền phía Ukraine.
Theo ông Lavrov, nhà ngoại giao tạm quyền Ukraine đã đề nghị được gặp và hai bên đã thảo luận các vấn đề cũng như nhiệm vụ và hai bên nhất trí cần phải tính toán để vượt qua cuộc khủng hoảng mang tính chất nội bộ của Ukraine hiện nay.
Về phần mình, quyền Ngoại trưởng Ukraine Deshchytsya bày tỏ hy vọng gặp Ngoại trưởng Nga Lavrov để thiết lập đối thoại, thảo luận giải quyết mẫu thuẫn giữa Ukraine và Nga hiện nay bằng biện pháp hòa bình.
TTXVN/Tin tức