Trong tuyên bố chung sau cuộc họp trực tuyến về tình hình dịch bệnh hiện nay, các Bộ trưởng Y tế G7 nhấn mạnh thế giới đang phải đối mặt với mối đe dọa từ một biến thể mới và theo đánh giá ban đầu, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguy cơ lây nhiễm cao, vì vậy cần phải hành động khẩn cấp.
Giới chức y tế G7 cũng ca ngợi “hành động mẫu mực” của Nam Phi trong việc phát hiện biến thể Omicron và cảnh báo sớm các quốc gia khác về biến thể này. Tuyên bố nhấn mạnh G7 ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch thành lập mạng lưới giám sát mầm bệnh quốc tế trong khuôn khổ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng Y tế G7 cũng thừa nhận vấn đề mang tính chiến lược liên quan đến quyền tiếp cận các loại vaccine ngừa COVID-19 và sẽ thúc đẩy các cam kết tài trợ của những thành viên trong khối.
Theo kế hoạch, các các Bộ trưởng Y tế G7 sẽ nhóm họp lần nữa vào tháng 12 tới.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại trước diễn biến dịch bệnh do biến thể Omicron buộc nhiều nước phải áp đặt lệnh hạn chế đi lại với các quốc gia thuộc khu vực miền Nam châu Phi.
Trong thông cáo, Tổng Thư ký Guterres kêu gọi chính phủ các nước cân nhắc quy định xét nghiệm lại đối với các du khách, đồng thời áp dụng các biện pháp thích hợp và thực sự hiệu quả nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm, qua đó tạo điều kiện cho các hoạt động đi lại và kinh tế. Ông nhấn mạnh người dân châu Phi không thể bị "đổ lỗi" về tỷ lệ tiêm tiêm chủng thấp và các quốc gia lục địa này không nên phải hứng chịu hậu quả từ hoạt động chia sẻ thông tin y tế và khoa học với thế giới.
Cũng trong ngày 29/11, một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) tiết lộ các nhà lãnh đạo EU đang cân nhắc tổ chức hội nghị trực tuyến để bàn về tình hình dịch bệnh COVID-19 vào cuối tuần này hoặc tuần sau trong bối cảnh châu Âu trở thành tâm dịch toàn cầu trong làn sóng COVID-19 mới nhất.
Theo quan chức trên, các nhà lãnh đạo EU sẽ tìm kiếm cách thức tiếp cận chung đối với nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có chủ đề về mũi vaccine tăng cường.