Hội nghị kêu gọi toàn cầu cùng hành động vì các đại dương và các cộng đồng ven biển. Các Bộ trưởng G7 cũng thảo luận về sự cần thiết phải hợp tác với khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế, các cộng đồng miền duyên hải xa xôi,… để thúc đẩy các giải pháp hiệu quả nhằm cải thiện “sức khỏe” của các đại dương. Các Bộ trưởng cũng nhất trí khởi động Sáng kiến G7 về quan sát Trái Đất và quản lý tổng hợp vùng ven biển.
Phóng viên TTXVN tại Canada dẫn lời Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu của Canada Catherine McKenna cho biết, Chính phủ Canada cam kết sẽ cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (như ống hút, cốc, chai nhựa…) trong các hoạt động của chính phủ. Theo bà McKenna, quyết định này là một phần trong nỗ lực của Canada nhằm hướng tới một tương lai không có rác thải nhựa.
Hội nghị lần này đã dành nhiều thời gian thảo luận về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên các đại dương. Theo bà McKenna, một chiếc túi nhựa được sản xuất trong khoảng 5 giây, được con người sử dụng trong 5 phút, nhưng sẽ tồn tại trong môi trường, trên các đại dương tới 5 thế kỷ.
Tại hội nghị, Canada cũng công bố kế hoạch dành 12 triệu CAD (khoảng 9,3 USD) để hỗ trợ các giải pháp quản lý rác thải nhựa tốt hơn ở nước này. Chính phủ Canada đặt mục tiêu thu gom, sử dụng lại và tái chế ít nhất 75% rác thải nhựa vào năm 2030.
Ông Nicholas Stern, Chủ tịch Viện Grantham về biến đổi khí hậu cảnh báo các quốc gia “phớt lờ” tình trạng biến đổi sẽ có nguy cơ tụt hậu so với những nước chuyển hướng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và năng lượng xanh.
Theo ông, các lĩnh vực như năng lượng tái tạo hay các giải pháp tiết kiệm năng lượng sẽ đem đến những cơ hội kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD. Ông dự báo về những đổi thay lớn khi quy mô kinh tế thế giới tăng gấp đôi trong hai thập kỷ tới, trong bối cảnh các nước nỗ lực đạt các mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.