Theo trang oilprice.com, thông tin trên được các ngoại trưởng G7 đưa ra ngày 2/8.
Trong nhiều tuần qua, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ và đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) đã nghiên cứu về ý tưởng áp giá trần đối với dầu của Nga. Các ngoại trưởng cho biết những nỗ lực này vẫn tiếp tục được tính tới.
Trong một tuyên bố, các ngoại trưởng G7 nêu rõ: “Khi loại bỏ dần năng lượng Nga khỏi thị trường nội địa, chúng tôi sẽ tìm cách phát triển các giải pháp làm giảm doanh thu của Nga từ dầu, hỗ trợ ổn định trên thị trường năng lượng toàn cầu và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến kinh tế, đặc biệt là đối với các nước thu nhập thấp và trung bình”.
Các ngoại trưởng G7 cho biết họ vẫn cam kết xem xét một loạt phương pháp tiếp cận, trong đó có các phương án cấm toàn diện tất cả các dịch vụ liên quan tới quá trình vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga trên toàn cầu, trừ khi giá dầu Nga bằng hoặc thấp hơn mức giá mà các đối tác quốc tế thống nhất.
Chính quyền Mỹ đã tìm cách để có càng nhiều người mua dầu đồng ý với kế hoạch áp trần giá dầu Nga càng tốt. Mỹ cũng đang trao đổi với Ấn Độ và Trung Quốc về khả năng tham gia cơ chế giới hạn giá dầu Nga.
Theo một quan chức G7, Trung Quốc và Ấn Độ có thể thích ý tưởng giới hạn giá vì điều này sẽ làm giảm hóa đơn nhập khẩu năng lượng.
Trong khi đó, xuất khẩu dầu của Nga dường như đã ổn định. Theo dữ liệu Bloomberg công bố ngày 1/8, lượng dầu Nga xuất khẩu hàng ngày giảm 500.000 thùng so với mức đỉnh đạt được trước xung đột ở Ukraine.